Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó thoát nghèo của một nông dân

13:49, 24/02/2014
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Thanh Hóa, năm 1996 ông Phạm Minh Châu đưa gia đình vào huyện Krông Buk lập nghiệp và định cư tại xã Pơng Drang.
 
Khởi đầu chỉ có đôi bàn tay trắng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn; vừa đi làm thuê để trang trải cuộc sống, vợ chồng ông vừa tranh thủ khai hoang thêm đất trồng cà phê, hoa màu. Với sự cần cù, không ngại khó khăn vất vả, ông còn mượn thêm đất để canh tác lúa. Tuy nhiên năng suất cây trồng đạt thấp, giá cả bấp bênh, con cái lại thường xuyên đau ốm nên cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám gia đình ông.
    Ông Phạm Minh Châu (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng tiêu của gia đình.
Ông Phạm Minh Châu (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng tiêu của gia đình.

Bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống của gia đình ông bắt đầu từ khi ông bán toàn bộ 1,2 ha đất sản xuất gia đình khai phá được chuyển sang buôn Ra Jai, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) sinh sống và được Lâm trường Buôn Wing hỗ trợ giống trồng điều. Nhờ sự nhanh nhạy, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như tiếp thu các hướng dẫn của Hội Nông dân xã để áp dụng vào sản xuất nên năng suất cây trồng của gia đình ông từng bước được nâng lên, cuộc sống cũng dần được cải thiện. Là con nhà nông, ông hiểu nếu chỉ trồng độc canh một loại cây sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và thu nhập cũng chỉ có thể đắp đổi qua ngày mà không thể thoát được nghèo, ông đã suy nghĩ, tìm hướng đi mới phát triển kinh tế. Qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương ông xây dựng cho mình một mô hình kinh tế hiệu quả theo hướng đa dạng hóa cây trồng. Hiện nay trên diện tích đất 3 ha, ngoài trồng điều, ông còn trồng thêm 1.200 cây cà phê và 600 trụ tiêu…; trong đó có 300 trụ tiêu đã cho thu hoạch, năng suất tiêu đạt bình quân 4-5 kg hạt/trụ, nhiều cây lên đến 6-7 kg và điều đạt 10 kg/cây. Năm 2013, cà phê của gia đình ông cũng cho thu hoạch bói, với 1,2 ha ông thu được 1,5 tấn… Để tăng thêm thu nhập cũng như cải thiện bữa ăn cho gia đình, ông còn tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà làm chuồng chăn nuôi gà và khoảng 1.000 m2 đất trũng ở rẫy để đào ao thả cá. Nhờ chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh tốt nên vật nuôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh… Không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi, trồng trọt, nhận thấy nhu cầu cần bán nông sản của người dân ở địa phương khá lớn, nhưng do buôn nằm ở cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, để bán được nông sản bà con phải đi rất xa, chi phí cao, do vậy ông quyết định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này. Từ việc thu mua nông sản cũng đã đem đến cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể, bình quân mỗi năm sau khi đã trừ hết chi phí ông vẫn có lãi hơn 20 triệu đồng, nâng tổng thu nhập của gia đình lên hơn 200 triệu đồng…

Không chỉ cần cù, chăm lo phát triển kinh tế, ông Phạm Minh Châu còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Với vai trò là Chi hội trưởng Nông dân buôn Ja Rai ông đã cùng với Hội Nông dân xã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể giúp các hội viên nghèo, khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật… để phát triển kinh tế gia đình.  Nhờ đó, nhiều hộ gia đình hội viên đã vượt khó, vươn lên ổn định cuộc sống. Bằng ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, từ chỗ thuộc diện hộ nghèo đến nay gia đình ông Phạm Minh Châu đã trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.