Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán nợ xấu

10:12, 28/01/2015
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Dak Lak, tỷ lệ nợ xấu của địa phương vẫn đang ở dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, để giải quyết được số nợ xấu này là thách thức rất lớn cho các tổ chức tín dụng trên  địa bàn tỉnh.

Nợ xấu sẽ tiếp tục tăng

Theo số liệu của các tổ chức tín dụng, năm 2014, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 45.119 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu còn 1.153 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ cho vay. Theo lý giải của các tổ chức tín dụng, có nhiều nguyên nhân khiến khoản nợ xấu trên tồn tại, nhưng chủ yếu là do khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp (DN) và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản khiến tình hình tài chính của bên vay ngày một yếu đi, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra của NHNN cho thấy, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn chưa chấp hành nghiêm quy chế cho vay ban hành kèm theo quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, ngày 31-12-2001 của NHNN. Tại một số tổ chức tín dụng, việc cho vay còn lỏng lẻo, chưa tuân thủ các quy trình như: công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay chưa chặt chẽ, thiếu tài liệu chứng minh chi phí khi giải ngân; trường hợp khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích chưa được kịp thời phát hiện để xử lý; quyết định cho vay khi dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng còn sơ sài, không có tính khả thi, không có tài liệu chứng minh nguồn gốc trả nợ... Một số tổ chức tín dụng chưa đánh giá chính xác mức độ rủi ro tín dụng, dẫn đến việc phân loại nhóm nợ chưa đúng quy định; việc định giá tài sản thế chấp cao hơn giá thị trường, làm tăng nguy cơ rủi ro cho ngân hàng khi khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ. Theo Phó Giám đốc NHNN Tăng Hải Châu, trong thời gian tới, nợ xấu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng khi mà các khoản nợ hết thời hạn được cơ cấu lại thời gian trả nợ. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 39.261 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dự nợ 2.799 tỷ đồng, trong đó có 98 DN với dư nợ 1.198 tỷ đồng; 39.163 cá nhân, hộ gia đình với dư nợ 1.601 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ làm tăng tỷ lệ nợ xấu nếu hết thời gian được cơ cấu, khách hàng vẫn không thể giải quyết được khoản nợ của mình.

Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng  trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Cần sự vào cuộc của nhiều phía

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, vấn đề giải quyết nợ xấu của các ngân hàng đang là bài toán nan giải nhất trong ngắn hạn. Nợ xấu không chỉ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng mà còn phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của DN đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nợ xấu trở thành “điểm nghẽn” của nền kinh tế, cản trở sự lưu thông của dòng vốn tín dụng. Thực tế là trong thời gian qua, các ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, hiện nay lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm. Như vậy “nút thắt” lãi suất cao đã được các ngân hàng từng bước tháo gỡ. Vấn đề nan giải nhất để “phá băng” tín dụng lúc này là giải quyết các khoản nợ xấu. Bởi nếu DN có dự án tốt, nhưng nếu “vướng” nợ xấu thì vẫn rất khó tiếp cận được vốn vay dù lãi suất đã hạ. Không giải quyết được nợ xấu cũng không thể tăng thanh khoản, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

DN khó khăn, nợ xấu tăng thêm là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế chưa được cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngày càng khó, nguy cơ phát sinh thêm nợ xấu gia tăng, quá trình giải quyết nợ xấu chậm và khó khăn. Với nỗ lực của mình, trong năm 2014 các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nguồn trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu được 1.121 tỷ đồng, trong đó thu hồi nợ ngoại bảng được 122 tỷ đồng. Theo ông Tăng Hải Châu, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, thu hồi nợ xấu tiếp tục là “rào cản” đối với các tổ chức tín dụng khi mà theo quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm do có quá nhiều cơ quan tham gia gây kéo dài thời gian xử lý và chi phí để xử lý nợ. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp giữa ngành Ngân hàng với các cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu, nhất là xử lý tài sản bảo đảm. Về vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2014, ông Tăng Hải Châu cho biết, từ đầu quý IV-2014, NHNN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về phương án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp. Do vậy, bên cạnh việc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì việc UBND tỉnh sớm ban hành quyết định về nội dung trên sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc