Multimedia Đọc Báo in

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn năm 2017: Cơ hội tiếp cận và khẳng định hàng Việt

10:18, 05/06/2017

Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2017 được tổ chức tại huyện Cư M’gar đã gặt hái được những thành công nhất định, góp phần tăng độ nhận biết của người dân về hàng Việt và là cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp cận người tiêu dùng, thiết thực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Đây là phiên chợ duy nhất của tỉnh được tổ chức  trong năm 2017 và là lần đầu tiên được đưa về huyện Cư M’gar (từ ngày 26 đến 30-5). Dù thời tiết không mấy thuận lợi, mưa nhiều nhưng các hoạt động taị phiên chợ đã thu hút khá đông người dân đến tìm hiểu và mua sắm.

Đúng như cam kết ban đầu của Ban tổ chức, 100% doanh nghiệp (DN) và hàng hóa tham gia giới thiệu, bày bán dịp này đều là hàng Việt, cho nên đây không chỉ là nơi tôn vinh hàng Việt mà còn là nơi thể hiện một nét văn hóa tiêu dùng ở người dân. 19 DN (trong đó, không thiếu các DN sản xuất, nhà phân phối uy tín trong tỉnh như Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Công ty Cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa, Co.opMart Buôn Ma Thuột…)  với hơn 50 gian bày bán các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… đã thu hút khá đông khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Công ty  Cổ phần  Phân bón  sinh thái  Việt Mỹ  hướng dẫn,  tư vấn cho người tiêu dùng về các sản phẩm phân bón  sinh học.
Công ty Cổ phần Phân bón sinh thái Việt Mỹ hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng về các sản phẩm phân bón sinh học.

Nhiều DN tham gia phiên chợ lần này cho hay, người tiêu dùng địa phương ngày càng tin dùng hàng Việt có chất lượng, giá bình dân hơn. Một DN bán cây giống đến từ tỉnh Bến Tre tỏ ra ngạc nhiên, không ngờ sức mua ở  phiên chợ lại mạnh đến vậy. Chỉ hai ngày đầu, DN này đã bán hơn 650 cây giống các loại. 

Gần 7.000 lượt khách đến tham quan,  mua sắm

Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2017 lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Cư M’gar (từ ngày 26 đến hết 30-5) đã thu hút gần 7.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu thông tin và mua sắm sản phẩm, với doanh số bán hàng đạt 550 triệu đồng. Dịp này đã có 5 hợp đồng kinh tế được ký kết để hợp tác cung ứng hàng hóa giữa các doanh nghiệp tham gia phiên chợ với đại lý, nhà bán lẻ ở địa phương.

Tại phiên chợ, người dân được nhiều DN tư vấn các thông tin cần thiết về cách phân biệt hàng thật- giả, cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật. Đáng ghi nhận nhất là phiên chợ đã mở ra nhiều cơ hội cho các DN tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng ở vùng nông thôn để giới thiệu, tư vấn và cung cấp thông tin về sản phẩm chính hiệu có chất lượng do chính DN làm ra. Theo đại diện Co.opMart Buôn Ma Thuột, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất như sữa Vinamilk, dầu ăn Cái Lân, nước mắm Phú Quốc… khi đến các vùng nông thôn luôn được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Thông qua phiên chợ, cùng với bán hàng kèm các ưu đãi để kích thích sức mua thì đơn vị cũng cung cấp thông tin để người dân biết và nhận diện hàng Việt rõ nét hơn. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón sinh thái Việt Mỹ chia sẻ, đây cũng cơ hội tốt để công ty khẳng định mình bằng uy tín và chất lượng của sản phẩm do DN trực tiếp làm ra. Với trên 10 dòng sản phẩm phân bón sinh học, DN chú trọng ở khâu gắn kết, tư vấn cho bà con nông dân sử dụng sản phẩm đúng cách, đúng liều lượng để đạt hiệu quả cao, để bà con có cách nhìn rõ nét hơn  và tin dùng loại sản phẩm thân thiện với môi trường này.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt có ý nghĩa quan trọng. Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho hay, nhu cầu sử dụng hàng Vịêt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa huyện là rất lớn, trong khi đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, chất lượng trôi nổi hoành hành đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, việc tổ chức phiên chợ là cơ hội tốt để người dân được tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất, phân phối, được tư vấn và mua những thứ mình cần, chất lượng bảo đảm.

Tuy đạt được nhiều kết quả nhất định, song để thông điệp “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trở thành ý thức mua sắm của người dân thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi trên thực tế, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn chỉ được tổ chức trong thời gian có 5 ngày, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để người tiêu dùng có thông tin nhận diện hết các thương hiệu Việt uy tín hoặc mua sắm cho mình các món hàng ưa thích. Thiết nghĩ, thành công thật sự của hoạt động này phải được tính bằng việc sau mỗi phiên chợ, DN tổ chức được các điểm phân phối, bán hàng cố định để người dân thuận lợi hơn trong việc mua sắm và tìm hiểu thông tin về hàng Việt ngay tại địa phương mình cư trú.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.