Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Dur Kmăl đối mặt với vụ "khoai đắng"

06:48, 07/06/2018

Chi phí đầu tư nhiều, giá nhân công cao, sâu bệnh làm giảm năng suất, giá thành lại thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây… khiến hàng chục héc ta khoai lang tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) bị bỏ thối ngoài đồng.

Có mặt tại một cánh đồng khoai lang của thôn Buôn Triết (xã Dur Kmăl), chúng tôi không khỏi xót xa trước những ruộng khoai lang đã thu hoạch nhưng củ vẫn nằm ngổn ngang khắp nơi. Là một trong những hộ  dân có thâm niên trồng khoai lang ở đây, ông Nguyễn  Đức Vượng buồn rầu: “Vụ này gia đình tôi trồng 7 ha khoai lang. Để khoai lang cho năng suất cao,  tôi  đã đầu tư khoảng 45-50 triệu đồng/ha. Chưa kể, chi phí thuê nhân công thu hoạch mỗi héc-ta khoai lang khoảng 15 triệu đồng. Thế nhưng, với giá khoai lang chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg như hiện nay,  tôi chỉ thu về khoảng 30 triệu đồng/ha, chưa đến một nửa chi phí bỏ ra”.

Ruộng khoai lang ông Nguyễn  Đức Vượng (xã Dur Kmăl).
Ruộng khoai lang ông Nguyễn Đức Vượng (xã Dur Kmăl). 
 
“Theo kế hoạch, năm 2017, xã Dur Kmăl trồng 210 ha khoai lang, tuy nhiên chỉ trồng được 110 ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Buôn Triết và Buôn Krông. Do không có đơn vị bao tiêu sản phẩm nên hiện nay người dân tự trồng và tự lo đầu ra cho sản phẩm khoai lang của mình”.
 
Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl Nguyễn Xuân Tỉnh

Trước tình trạng trên, gia đình ông Vượng cũng như nhiều hộ dân trong vùng  vẫn để khoai lang nằm ngoài đồng cố chờ cho giá nhích lên mới thu hoạch. Đáng nói, càng hy vọng thì giá khoai lang vẫn không tăng, trong khi những diện tích khoai quá thời gian thu hoạch đã bị thối, hà sùng, hư hỏng rất nhiều do mưa kéo dài, khiến năng suất khoai giảm rõ rệt. Nếu như ở vụ khoai lang trước, năng suất trung bình đạt khoảng 3 tấn khoai/sào thì hiện nay chỉ thu được 1,5 tấn/sào. Giá rớt thê thảm và năng suất giảm nhiều nên ông Vượng xác định sẽ không thu hoạch khoảng 3 ha khoai lang để mặc thối rữa ngoài đồng. “Để thu hoạch 1 ha khoai lang, chúng tôi phải thuê khoảng hơn 40 nhân công với giá 180.000 đồng/ngày. Trong khi đó, số tiền thu được từ 3 ha khoai lang không đủ để trả tiền công thu hoạch. Với giá thành như hiện nay thì càng thu hoạch người nông dân càng bị thua lỗ nhiều hơn”, ông Vượng chán nản nói.

Tương tự, nhiều hộ trồng khoai lang tại xã Dur Kmăl cũng rơi vào cảnh lao đao vì khoai lang rớt giá. Thậm chí, ngay cả thương lái thu mua khoai cũng đứng ngồi không yên.  Bà Dung - một thương lái đang thu mua khoai lang  ở thôn Buôn Triết thổ lộ: “Vào đầu vụ, tôi đã đặt cọc hơn 400 triệu để  mua 18 ha khoai lang của người dân. Thế nhưng, trước tình trạng khoai xuống giá, hư hỏng quá nhiều tôi dự định sẽ bỏ không thu hoạch diện tích khoai lang đã đặt cọc này. Bởi có thu hoạch cũng không đủ để chi trả chi phí thuê nhân công”.

Một ruộng khoai lang ở xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) do để quá ngày thu hoạch khiến nhiều củ bị hà sùng.
Một ruộng khoai lang ở xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) do để quá ngày thu hoạch khiến nhiều củ bị hà sùng.

Theo Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl Nguyễn Xuân Tỉnh, vào đầu vụ, một số hộ dân đã thu hoạch khoai lang sớm và bán được giá khoảng 12.000 đồng/kg, nhưng số lượng không đáng kể. Hiện nay, toàn xã còn khoảng 50-60 ha khoai lang chưa thu hoạch. Với giá 3.000 – 4.000 đồng/kg như hiện nay, nhiều người dân nửa muốn thu hoạch, nửa muốn không. Trước mắt, UBND xã đã báo cáo tình hình trên cho UBND huyện và Phòng NN & PTNT huyện, đồng thời đề xuất cần có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương trong thời gian tới”.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.