Multimedia Đọc Báo in

Điểm nhấn kinh tế - xã hội Việt Nam qua lăng kính dư luận thế giới

06:54, 01/01/2020

Khép lại năm 2019, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước. Thành công có được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự đồng lòng của hơn 90 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước. Đó là điều đã được dư luận thế giới đánh giá một cách khách quan, trung thực.

Đánh giá mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019, nhiều hãng tin, báo chí nước ngoài đã đưa ra những con số khá ấn tượng. Theo báo cáo cập nhật mới nhất tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6,7% cho năm 2019, được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Hãng tin Bloomberg của Mỹ còn đề cập tới mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là 6,8%. Theo Bloomberg, Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng. Còn Reuters đưa tin, trong 10 tháng năm 2019, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018. Theo Reuters, dòng vốn FDI là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các công ty FDI chiếm khoảng 70% xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á.    Ảnh: H.Gia
Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á. Ảnh: H.Gia

Đầu tháng 7-2019, tờ Business Times của Singapore có bài viết đánh giá Việt Nam là một điển hình về quá trình chuyển đổi và phát triển thành công. Theo bài báo, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra tiềm năng và lợi ích của việc đầu tư vào công nghệ và hiện đang đi đầu trong phát triển kỹ thuật số trong khu vực. Các khu công nghệ cao mới đã được thành lập tại nhiều nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Bài báo cho rằng với lợi thế về dân số và lực lượng lao động lành nghề, thay vì cạnh tranh trực tiếp với Singapore để trở thành trung tâm công nghệ khu vực, Việt Nam có thể xác định trở thành điểm lựa chọn thay thế. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng các điều kiện kinh doanh sẽ mang tính quyết định trong việc đảm bảo Việt Nam có thể khai thác được tiềm năng trên.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á. (Theo tờ Intellasia)

Trung tuần tháng 11-2019, tờ Intellasia của Singapore còn đưa tin, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á với những dẫn chứng: tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam 11 tháng năm 2019 đạt 3,18 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có tới 68% tổng số vốn được đầu tư để phát triển các ngành gia công chế tạo, 10,4% khác thuộc về lĩnh vực bất động sản. Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cuối tháng 6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận và ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU  (EVIPA).

Theo một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới được dư luận đánh giá là thành tựu ấn tượng. Năm 2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với quy định (năm 2015). Sau hơn một thập kỷ tiếp theo, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, với ​​tỷ lệ giảm tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên gần đây.

Cũng theo báo cáo trên, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010 - 2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Khắc Nam

(Dịch từ Net/DM/Reuters/BCS/WB... /2019)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.