Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Đồng hành cùng nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

09:03, 09/03/2020

Để tạo sức bật trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, huyện M’Đrắk đã và đang đồng hành cùng nông dân trong việc định hướng, hỗ trợ phát triển các nông sản chủ lực.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện M’Đrắk đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ, định hướng xây dựng nhiều mô hình trồng trọt nhằm từng bước xác định giống cây trồng hiệu quả kinh tế cao giúp nông dân chuyển đổi phù hợp, bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Thúy (bên trái) ở thôn 4, xã Ea Pil chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây nhãn.
Ông Nguyễn Xuân Thúy (bên trái) ở thôn 4, xã Ea Pil chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây nhãn.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Thúy ở thôn 4, xã Ea Pil có 6 sào đất trồng mía nhiều năm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, được chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 20 triệu đồng mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình ông quyết định phá bỏ mía chuyển sang trồng 200 cây nhãn Hương chi. Nhận thấy cây nhãn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trong vùng nên gia đình ông đã trồng thêm 400 cây vào số diện tích còn lại và trồng xen thêm sầu riêng, mãng cầu trong vườn nhãn. Năm 2019, 200 cây nhãn trồng đợt đầu cho thu bói gần 5 tấn, bán với giá 27.000 – 30.000 đồng/kg. Ông Thúy nhẩm tính: niên vụ 2020 này, 600 cây nhãn đều cho thu hoạch, ước tính được khoảng 15 tấn, giá bán cao và ổn định, lợi nhuận cao gấp 7-8 lần trồng mía.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Pil Vũ Văn Lương, Ea Pil là xã có tiềm năng về đất sản xuất nông nghiệp với trên 6.000 ha nên được UBND huyện M’Đrắk chọn triển khai dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ nghiên cứu, công nhận cây đầu dòng đối với hộ ông Nguyễn Văn Tâm (thôn 10) đủ điều kiện sản xuất cây nhãn giống và truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, mô hình tưới nước tiết kiệm cho các hộ trồng vải, nhãn. Bên cạnh đó, nhiều nông hộ đã chủ động tìm hiểu, đầu tư chuyển đổi từ cây mía, hoa màu sang trồng cây ăn quả. 10 năm về trước, toàn xã chỉ có khoảng 10 ha cây ăn quả thì hiện nay đã có trên 900 ha.

Năm 2019, tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt huyện M’Đrắk là 1.678 tỷ đồng, tăng 94 tỷ đồng so với năm 2018, trong đó cây ăn quả là cây trồng chủ lực.

Theo số liệu của Phòng NN&PTNT, từ năm 2016 đến năm 2019, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 152 buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng 192 mô hình thâm canh lúa, ngô, đậu và nuôi gà an toàn sinh học, 5 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cho 55 hộ; thực hiện 37 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững cho 753 hộ.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện M’Đrắk Nguyễn Thế Thập cho biết, được sự định hướng, hỗ trợ của huyện, các nông hộ đã mạnh dạn nhân rộng, chuyển đổi từ các giống cây trồng truyền thống sang giống mới, giống lai có năng suất và chất lượng tốt hơn. Nhiều giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương, năng suất và giá bán ổn định ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn như: nhãn, vải, chanh dây, điều.

Ông Võ Ngọc Kiên (thôn 4, xã Ea Pil) đã chuyển đổi từ trồng mía sang trồng vải, nhãn đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.
Ông Võ Ngọc Kiên (thôn 4, xã Ea Pil) đã chuyển đổi từ trồng mía sang trồng vải, nhãn đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Thập, để tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, huyện M’Đrắk tập trung tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, thành lập các vùng sản xuất tập trung: cây nhãn, vải ở các xã Ea Pil, Cư Prao, Ea Lai; chanh dây tím ở các xã Cư Prao, Ea Lai, Ea Riêng, Krông Á; sầu riêng, bơ ở các xã Ea H’Mlay, Ea Riêng, Ea Lai; bưởi da xanh, mãng cầu, mít ở các xã Ea Pil, Cư Króa, Cư San, Ea Trang. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích liên kết giữa hộ sản xuất với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, đơn vị khoa học và công nghệ, hỗ trợ thành lập mới và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.