Multimedia Đọc Báo in

Lập nghiệp trên mảnh đất quê hương

11:08, 29/11/2020

Với sự năng động nhạy bén và được sự trợ lực cần thiết, nhiều thanh niên vùng nông thôn đã tận dụng những thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực để phát triển đa dạng mô hình kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương.

Hướng tới mô hình sản xuất thân thiện với môi trường

Anh Vũ Đăng Minh (SN 1986, ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) cũng đã thu những "quả ngọt" đầu tay khi mạnh dạn khởi nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp sạch. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Minh trở về quê hương để lập nghiệp. Anh thấy đất đai, thổ nhưỡng ở đây phù hợp trồng cây cam, quýt, nên quyết định dùng 2 ha đất của gia đình để trồng loại trái cây này. Để có thu nhập trang trải cuộc sống cũng như chăm sóc cây ăn trái, anh Minh lựa chọn phương thức lấy ngắn nuôi dài; trồng những loại cây ngắn ngày nhanh thu như sả, gừng, nghệ… và nuôi cá, gia cầm để lấy chất thải bón cho cây, cải tạo đất trồng, hạn chế dùng phân hóa học.

Khi cam, quýt vào mùa thu hoạch, thương lái thu mua với giá rất rẻ. Đặc biệt, đợt cả nước giãn cách phòng chống dịch Covid-19 vào tháng 4-2020, việc tiêu thụ nông sản của người dân càng khó khăn gấp bội. Cũng là người trồng cây, anh Minh thấu hiểu sự khó khăn đó nên đã tìm ra phương án hỗ trợ tiêu thụ trái cây cho người dân thông qua mô hình “Thanh niên Tân Hòa hỗ trợ tiêu thụ nông sản”. Theo đó, anh Minh đã kết nối với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Minh Anh và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ (TP. Hà Nội) bao tiêu trái cây cho người dân ở huyện Buôn Đôn với mức giá mua tại vườn ở thời điểm đó là 5.000 - 10.000 đồng/kg. Trong hơn một tháng, từ mô hình này, hơn 30 tấn trái cây các loại như: xoài, cam, quýt… được đưa đi tiêu thụ tại nhiều thị trường như: TP. Hồ Chí Minh,  Hà Nội…

Anh  Vũ Đăng Minh (bên trái)  tham quan  mô hình  cây ăn trái  tại địa phương.
Anh Vũ Đăng Minh (bên trái) tham quan mô hình cây ăn trái tại địa phương.

Qua đợt tiêu thụ trên, để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chí của công ty cho những đợt hàng sau này, anh đã đến tận vườn của bà con để hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây đúng quy trình, sử dụng phân bón, thuốc đúng liều lượng, ghi rõ ngày tháng năm vào bảng và đính lên cây… Việc làm này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng mà cho chính những người nông dân; từ đó tạo nền tảng để phát triển nông nghiệp một cách bền vững trên vùng đất Buôn Đôn.

Hiện nay, anh Minh tạm rời xa vườn cây của gia đình, chuyển giao công nghệ cho người bạn chăm sóc, chỉ hỗ trợ từ xa và tập trung vào việc bao tiêu sản phẩm. Anh dành phần lớn thời gian để đi học, trải nghiệm công nghệ nông nghiệp của Israel qua các nông trại trên khắp cả nước; học hỏi mô hình công nghệ IMO (là mô hình tận dụng nguồn vi sinh bản địa để canh tác, tạo nên thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm tại vùng quê; giảm tối thiểu chi phí và nâng cao được chất lượng sản phẩm kết hợp với sinh thái tự nhiên, tạo ra môi trường sinh thái tự nhiên). Anh dự định đến đầu năm 2021 sẽ trở về quê hương, tiếp tục thực hiện ước mơ từ những kiến thức đã được lĩnh hội.

Nâng cao giá trị nông sản

Những tấm gương thanh niên giàu ý chí, khát vọng lập nghiệp không chỉ mang lại giá trị cho bản thân mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Qua đó, tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên Đắk Lắk, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Anh Nguyễn Đình Hùng (SN 1987, ở thôn Nam Anh, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk) sau gần 4 năm khởi nghiệp đã thành công với mô hình trồng nấm sạch, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình; đồng thời tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động tại địa phương và chuyển giao công nghệ cho người dân chăm sóc nấm tại gia đình. Anh Hùng là giáo viên công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Krông Búk. Vốn yêu thích nông nghiệp theo hướng hữu cơ, anh chọn nấm để trồng thử nghiệm. Năm 2017, anh Hùng bắt đầu tranh thủ thời gian để tìm hiểu và học nghề, phụ làm việc tại các trại, HTX nấm tại nhiều địa phương trên cả nước, kết hợp với tự tìm hiểu thêm trên Internet. Sau gần 2 năm học hỏi cùng với sự giúp đỡ của tập thể Trung tâm GDNN-GDTX huyện, anh Hùng đã bắt tay thử nghiệm quy trình trồng nấm tại đơn vị và đã có những thành công ban đầu. Đến giữa năm 2019, anh bắt tay xây dựng nhà trồng nấm tại gia đình có diện tích 600 m2 với sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện, Phòng NN-PTNT huyện và bạn bè. Anh chủ yếu trồng nấm sò, nấm bào ngư, loại nấm có giá trị kinh tế cao; ngoài ra còn sản xuất phôi nấm để tự cung cấp cho gia đình và chuyển giao cho những người có nhu cầu. Với diện tích trên, mỗi ngày anh thu khoảng 15 kg nấm, mỗi đợt trồng nấm kéo dài khoảng 4 tháng, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, anh có lãi hơn 20 triệu đồng. Hiện anh đang chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp đủ số lượng cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Anh Nguyễn Đình Hùng  tại cơ sở  sản xuất nấm của gia đình.
Anh Nguyễn Đình Hùng tại cơ sở sản xuất nấm của gia đình.

Để nâng cao giá trị của nấm nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương nói chung, anh cùng các thành viên thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phát, ngoài sản phẩm nấm còn có các sản phẩm rau, nông sản của các hộ nông dân khác… Vừa qua, sản phẩm nấm bào ngư tươi của HTX Hưng Phát là một trong những sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, hạng 3 sao cấp huyện, hiện đang chuẩn bị hồ sơ đánh giá cấp tỉnh. Anh Hùng cho hay, HTX Hưng Phát đang dần tiến tới sản xuất chủ yếu là sản phẩm nông sản sạch, liên kết với các hộ dân, tìm đầu ra cho sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và các thành viên trong HTX.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.