Multimedia Đọc Báo in

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tại thị xã Buôn Hồ: Nhiều biện pháp thiết thực và đồng bộ

09:33, 31/05/2013

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền ở thị xã Buôn Hồ quan tâm chỉ đạo, huy động các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc với nhiều biện pháp thiết thực và đồng bộ.

Thực hiện các văn bản, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về công tác trẻ em, nhằm làm tốt nhiệm vụ tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, UBND thị xã Buôn Hồ đã ban hành Chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2011-2015. Hằng năm luôn quan tâm, chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh - truyền hình về: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; bảo đảm các chính sách cho trẻ em; cách chăm sóc, giáo dục trẻ; ngăn ngừa trẻ em mắc các tệ nạn xã hội; phòng chống tai nạn thương tích, lạm dụng trẻ em; tư vấn pháp luật… góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi gia đình và xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở thị xã Buôn Hồ.  

Các trường học ở thị xã Buôn Hồ luôn chú trọng xây dựng sân chơi cho trẻ em.
Các trường học ở thị xã Buôn Hồ luôn chú trọng xây dựng sân chơi cho trẻ em.

Nhờ vậy, trong những năm qua, trên địa bàn thị xã không còn trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình. Các chính sách trợ giúp cho trẻ em được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai kịp thời và đúng đối tượng. Riêng năm 2012, có 59 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ tàn tật, tâm thần và 13 hộ gia đình đơn thân nuôi con nhỏ được hưởng trợ cấp hằng tháng; 42 trẻ mồ côi được nuôi dưỡng; hơn 900% trẻ em dưới 5 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%. Các trường hợp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được lập hồ sơ khám chữa bệnh. Trong đó, đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung ương khám sàng lọc cho 159 trường hợp bị dị tật mắt, 90 trường hợp dị tật mô hàm ếch và dị tật khác; vận động nguồn kinh phí để mổ tim cho 5 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Trẻ em là con thương binh, gia đình liệt sĩ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi được trao 205 suất học bổng trị giá 117,3 triệu đồng…

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách cho trẻ em, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6), Tết Trung thu, UBND thị xã, ngành chức năng và các xã, phường đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho trẻ em, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2012, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trao 100 suất quà trị giá 15 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở hai xã Ea Blang và Ea Drông; hướng dẫn UBND xã, phường rà soát, lập danh sách trẻ em bị tim bẩm sinh, trẻ em tàn tật, mồ côi để các ngành, các cấp hỗ trợ. Đồng thời, triển khai mô hình “Mái ấm tình thương” cho trẻ mồ côi và mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại phường Thống Nhất và xã Ea Siên. Ở các trường học đều chú trọng đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, cải thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em.

Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác trẻ em ở thị xã Buôn Hồ là phong trào “Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em”. Đến nay, 12/12 xã, phường đã đăng ký thực hiện phong trào, trong đó, 9 xã, phường được công nhận đạt chuẩn. Ngoài ra, thị xã Buôn Hồ còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xóa đói, giảm nghèo như: miễn giảm học phí cho 36.798 học sinh với kinh phí hằng năm hơn 10 tỷ đồng; cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, hướng dẫn cách làm kinh tế hiệu quả, hỗ trợ học nghề, tư vấn và hỗ trợ về y tế, giáo dục… giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo được đi học và chăm sóc đầy đủ hơn.

Với những hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, khoảng cách về cơ hội phát triển giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với trẻ em khác dần được thu hẹp; đa số trẻ em đều được chăm sóc và phát triển toàn diện, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em tại địa phương.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc