Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng văn minh công sở từ trang phục

20:53, 01/11/2014
Trên Báo Dak Lak số ra ngày 5-10-2014 có đăng bài viết “Văn minh công sở từ góc nhìn của giới trẻ”. Tôi rất đồng ý với những quan điểm của tác giả Nguyễn Đình Khiêm khi đề cập đến “văn hóa trang phục, ăn mặc… thể hiện sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình”. Ở bài viết này tôi xin chia sẻ thêm một vài suy nghĩ của bản thân trong việc xây dựng văn minh công sở từ trang phục công sở.

Trang phục công sở là một tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng “công sở văn hóa” đúng nghĩa, tạo ra một diện mạo mới thân thiện, chuyên nghiệp hơn cho các cơ quan, công sở. Những năm gần đây, khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, người ta thường thấy xuất hiện trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ của cán bộ công chức ở các cơ quan đơn vị, đoàn thể… bên cạnh các tiết mục văn nghệ thường đi kèm phần thi “thời trang công sở”. Đó là một nét mới trong hoạt động văn hóa của môi trường công sở, góp phần nâng cao sự phong phú đời sống tinh thần của công chức và người lao động.

Hiện nay, ở một số cơ quan, doanh nghiệp đã thấy xuất hiện những bộ đồng phục khá bắt mắt, đặc trưng cho mỗi ngành, cơ quan. Ngoài việc để mọi người dễ nhận biết đó là người của cơ quan, ngành nào, trang phục còn thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp và cả nét đẹp công sở. Bộ trang phục đẹp giúp công chức trở nên chuyên nghiệp hơn, chứ không phải đơn thuần để trở nên xinh xắn hay hợp mốt, sành điệu. Và ngược lại, một bộ trang phục không phù hợp có thể sẽ làm hỏng vẻ chuyên nghiệp của người cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, ở không ít cơ quan vẫn còn xuất hiện sự tùy tiện, thậm chí là cẩu thả của một số công chức, mà không ít người trong đó hằng ngày phải tiếp xúc với nhiều đối tác. Có người thì guốc dép lẹt quẹt đi vang cả hành lang, trang phục lôi thôi, cách đi đứng cũng không được đẹp cho lắm. Đó là chưa kể một số người lại ăn mặc lòe loẹt, quá điệu đà, không phù hợp với môi trường làm việc…

Khi nói đến vấn đề trang phục người ta thường nghĩ ngay đến chị em phụ nữ, bởi họ là những người quan tâm nhất đến phong cách ăn mặc, đồng thời họ cũng là những người được để ý nhiều nhất về dáng vẻ, diện mạo; nhưng không phải ai cũng ý thức được sự quan trọng trong cách ăn mặc của mình. Nhiều chị em vì bận bịu công việc gia đình, chăm sóc con cái mà quên đi bản thân, cũng có nhiều chị em xuề xòa cho qua hoặc vốn quen giản dị nên chưa chú ý đến việc lựa chọn trang phục, chưa tạo được hình ảnh thu hút, song với những chị em này họ vẫn giữ được sự lịch thiệp cần có. Tuy nhiên, không ít chị em lại quá cầu kỳ trong việc ăn mặc, hoặc luôn luôn muốn khẳng định sự “sành điệu”, là trung tâm “nghe nhìn” nơi công sở đến mức mỗi khi họ xuất hiện lại cứ ngỡ cơ quan đang tổ chức dạ tiệc, thậm chí có người lại mặc “thoáng” như đang đi dạo phố, khiến người tiếp xúc cảm thấy ngại. Lại có không ít cán bộ, công chức cả nam giới, lẫn nữ giới có sở thích chơi trội, khoe hàng hiệu nơi công sở, từ những trang phục đến những phụ kiện lỉnh kỉnh làm cho cơ quan, doanh nghiệp trở thành nơi phân hóa đẳng cấp...

Vậy trang phục nơi công sở như thế nào mới là phù hợp, mới thể hiện được văn minh, văn hóa? Có lẽ mỗi người sẽ có những cảm nhận, những quan điểm riêng. Với tôi, trang phục của người lao động, không nhất thiết phải là những bộ trang phục đắt tiền, tốn kém nhưng phải nghiêm túc, lịch sự. Nên chăng, mỗi cơ quan đơn vị có đồng phục riêng theo ngành, nghề và trang phục dành cho những thời điểm nhất định. Ngoài ra, khi lựa chọn trang phục mỗi người cán bộ, công chức, viên chức cũng nên lưu ý một số điều như: tránh hở hang lộ liễu, tránh mang nhiều phụ kiện, tránh những trang phục “quá cỡ” hoặc bó sát, tránh mặc trang phục nhăn nhúm, tránh khoe đồ hiệu… Có thể nói, trang phục công sở chưa phải là vấn đề nghiêm trọng, song cũng khá nhạy cảm và quan trọng hơn đó là một tiêu chí cần thiết góp phần xây dựng văn minh công sở đúng nghĩa, tạo ra một diện mạo mới thân thiện, chuyên nghiệp hơn cho các cơ quan, công sở hiện nay.

Võ Ngọc


Ý kiến bạn đọc