Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ chung sức vì sức khỏe cộng đồng

08:47, 30/01/2018

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), góp phần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và sức khoẻ cho cộng đồng.

Thành lập tháng 8-2017, Tổ hợp tác Chăn nuôi heo sạch (Tổ hợp tác) ở xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ có 14 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn. Đây là mô hình điểm do Hội LHPN thị xã chỉ đạo thành lập với nguồn vốn hỗ trợ 200 triệu đồng từ Hội LHPN tỉnh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng ATTP và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên phải cam kết bảo đảm chăn nuôi an toàn, không mua bán và sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Chị H’Yui Niê, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ: “Bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi, nhân rộng đàn heo, các thành viên tham gia Tổ hợp tác được hướng dẫn kỹ thuật, cách phòng trị bệnh và mua thức ăn chăn nuôi. Tổ hợp tác họp định kỳ mỗi tháng một lần, thành viên cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm chăn nuôi, đồng thời chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm”.

Đại diện Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết thực hiện chương trình thi đua
Đại diện Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết thực hiện chương trình thi đua "Hành động của phụ nữ về thực phẩm không an toàn".

Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn, nhiều hội viên phụ nữ thôn Mới, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin đã tận dụng diện tích đất tại gia đình để triển khai mô hình "Vườn rau sạch" khá hiệu quả. Chị Mai Thị Nga là một trong những hội viên được Hội LHPN xã Hòa Hiệp hướng dẫn xây dựng mô hình trồng rau sạch đầu tiên trên địa bàn. Sau khi ký cam kết với Hội LHPN xã về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, chị bắt đầu nghiên cứu, chăm sóc vườn rau đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn. Hiện nay sản phẩm rau sạch của gia đình chị được cung cấp rộng rãi tại chợ 19-8 và chợ Kim Châu (huyện Cư Kuin). Ngoài ra còn được các cấp Hội giới thiệu rộng rãi đến cán bộ, hội viên, phụ nữ như một địa chỉ tin cậy về sản phẩm sạch. Theo chị Nga, so với phương pháp trồng rau truyền thống thì rau trồng theo mô hình an toàn chỉ cần nắm vững kỹ thuật, chịu khó chăm sóc là có thể hạn chế được sâu bệnh và đem lại năng suất cao.

Hiệu quả mang lại từ mô hình rau sạch của gia đình chị Nga đã thu hút nhiều chị em trong vùng học hỏi và áp dụng. Hiện nay, Chi hội phụ nữ thôn Mới có 13 hội viên trồng rau sạch với mức thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Chị Trần Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cư Kuin cho biết: “Với chung một mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cung cấp nguồn rau sạch, đảm bảo chất lượng cho cộng đồng, mô hình trồng rau sạch của Chi hội phụ nữ thôn Mới không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn nó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân, giúp họ hiểu được trong sản xuất kinh doanh thì chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển thương hiệu”. 

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tham quan mô hình chăn nuôi heo sạch của hội viên phụ nữ xã Ea Đrông.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh tham quan mô hình chăn nuôi heo sạch của hội viên phụ nữ xã Ea Đrông.

Nhiều năm qua, công tác thông tin, giáo dục truyền thông về VSATTP luôn được các cấp Hội coi là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và thay đổi hành vi thực hành ATTP của hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân. Do đó, các cấp Hội luôn chủ động đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, đảm bảo phù hợp với nhiều đối tượng hội viên, phụ nữ tại các vùng miền khác nhau. Năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã phát động chương trình thi đua “Hành động của phụ nữ về thực phẩm không an toàn” với các nội dung cụ thể: tăng cường công tác tuyên truyền về VSATTP tới hội viên phụ nữ; phát hiện tố giác các hành vi vi phạm ATTP; hướng dẫn hỗ trợ chị em xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, chăn nuôi sạch, cửa hàng thực phẩm sạch; hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; ủng hộ các sản phẩm an toàn từ các mô hình của hội viên phụ nữ… Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc đã ký cam kết thực hiện chương trình thi đua và quyết tâm phấn đấu xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn có liên kết theo chuỗi nhà nông, nhà tiêu thụ và nhà sử dụng.

Năm 2017, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã xây dựng 18 mô hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong đó có 11 mô hình rau an toàn; 3 mô hình chăn nuôi heo, gà sạch; 1 mô hình chế biến cà phê sạch; 1 mô hình bánh tráng sạch; 1 mô hình cửa hàng thực phẩm sạch và 1 mô hình chuỗi liên kết rau an toàn giữa nhà nông, nhà tiêu thụ và nhà sử dụng.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.