Multimedia Đọc Báo in

Những tổ trưởng tổ vay vốn tận tâm với công việc

07:18, 10/03/2018

Bằng tinh thần nhiệt tình, tận tâm với công việc, những năm qua nhiều tổ trưởng vay vốn trên địa bàn TX. Buôn Hồ đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Đảm nhận vai trò là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến nay vừa tròn 6 năm, nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào công việc mới, chị Trần Thị Nam (thôn Bình Thành 4, xã Bình Thuận) vẫn không quên những khó khăn, vất vả. Lúc chị mới nhận bàn giao công việc, do nhận thức của chị em về vay vốn và sử dụng vốn còn hạn chế nên số nợ quá hạn lên đến 40 triệu đồng, lãi tồn gần 10 triệu đồng. Chị Nam đã đến từng nhà hội viên vay vốn vận động trả lãi và gốc đúng thời hạn, hướng dẫn chị em cách làm ăn và sử dụng vốn một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, chị còn tích cực phối hợp với hệ thống chính trị tại thôn đẩy mạnh tuyên truyền, bình xét để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn chị em sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Dần dần, số nợ quá hạn, lãi tồn được giải quyết qua từng năm. Hiện nay, tổ vay vốn do chị quản lý có tổng số dư nợ hơn 1 tỷ đồng giải quyết cho 46 hộ vay theo các kênh: học sinh - sinh viên, xóa đói giảm nghèo, nước sạch. Các thành viên trong tổ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng thời hạn, không có tình trạng nợ quá hạn… 

Chị Nam (trái) đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lương Thị Mến.
Chị Nam (trái) đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lương Thị Mến.

Với vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bình Thành 4, chị Nam còn khéo léo lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi qua các buổi sinh hoạt, giới thiệu cho chị em các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao từ đó đã tạo sự gắn kết, thúc đẩy chị em giúp nhau làm kinh tế. Từ đó, nhiều chị em đã được hỗ trợ vươn lên phát triển kinh tế gia đình; điển hình như trường hợp gia đình chị Lương Thị Mến. Những năm trước, do hoàn cảnh khó khăn, không có vốn, đất sản xuất lại ít nên vợ chồng chị Mến chỉ làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, được sự giúp đỡ tích cực của tổ trưởng Trần Thị Nam, gia đình chị Mến được vay vốn chương trình hộ nghèo 30 triệu đồng. Có vốn chị đầu tư chăn nuôi bò, kết hợp sử dụng phân bón cho cây trồng. Thu nhập ngày càng ổn định, gia đình chị Mến đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Buôn Pheo (xã Ea Đrông) có trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nên cuộc sống rất vất vả. Nhiều người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước... Trước thực tế đó, khi đảm nhận vai trò là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn, chị H’Náp Niê luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm sao vận động hộ nghèo trong buôn tích cực tham gia vào tổ, giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, biết cách làm ăn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Để làm được điều đó, chị không ngại đến từng nhà, tranh thủ sự vào cuộc của các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con. Dần dần nếp nghĩ, cách sử dụng vốn vay của người dân nơi đây thay đổi theo chiều hướng hiệu quả hơn. Hiện nay, tổ vay vốn do chị H’Náp phụ trách đã tăng lên 60 thành viên với tổng vốn vay gần 2,1 tỷ đồng. Nhờ quản lý tốt nguồn vốn vay nên nhiều năm qua tổ vay vốn ở buôn Pheo không có trường hợp nào có lãi tồn đọng và nợ quá hạn, các hộ vay nộp tiền lãi và gốc đúng hạn theo quy định, giúp bà con trong thôn phát triển sản xuất, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó mà cũng giảm dần qua từng năm.

Tuy phụ cấp không đáng kể nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì người nghèo, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn như chị Nam, chị H’Náp đã không ngại khó, ngại khổ quản lý tốt nguồn vốn ủy thác mà còn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.