Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người phụ nữ "hai giỏi"

15:28, 29/09/2018

Đã xấp xỉ cái tuổi 60 nhưng bà Nguyễn Thị Huệ – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 8, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vẫn miệt mài với công tác Hội. Hằng ngày, sau khi lo xong “việc công”, bà Huệ lại vội vã về căn nhà nhỏ để chăm sóc người chồng đang phải sống thực vật gần 10 năm nay.

Cách đây hơn 40 năm, từ mảnh đất Quảng Nam xa xôi, bà Huệ cùng gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Năm 1983, số phận đưa đẩy cho bà Huệ nên duyên với ông Trần Thanh Việt ở cùng thôn. Sau hơn 10 năm chung sống, 4 đứa con trai lần lượt ra đời. Cuộc sống dù không sung túc nhưng trong nhà luôn rộn tiếng cười. Thế nhưng tai họa ập tới vào một ngày giữa năm 2011, vợ chồng bà Huệ đi ăn cưới ở xa, trên đường về không may gặp phải tai nạn. Hậu quả là ông Việt bị thương nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, còn bà Huệ bị thương nhẹ. Ông Việt được chuẩn đoán bị bại não và liệt tứ chi, phải sống đời sống thực vật. Sau hơn nửa năm gom tiền chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả và cũng không đủ kinh phí, bà Huệ đành đưa chồng về nhà chăm sóc.

Đã xấp xỉ cái tuổi 60 nhưng bà Nguyễn Thị Huệ – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 8, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) vẫn miệt mài với công tác Hội. Hằng ngày, sau khi lo xong “việc công”, bà Huệ lại vội vã về căn nhà nhỏ để chăm sóc người chồng đang phải sống thực vật gần 10 năm nay.
Bà Nguyễn Thị Huệ cùng người chồng đang phải sống thực vật của mình. 

Mất đi trụ cột trong gia đình, bà Huệ phải một mình gồng gánh chuyện nhà cửa và chăm chồng. Nhưng việc khiến bà đau lòng và day dứt hơn cả đó là 3 năm sau ngày chồng bị liệt, người con trai út thi đỗ đại học, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đã phải nghỉ học để đi làm công nhân cùng hai anh trai ở TP. Hồ Chí Minh, vừa giảm bớt gánh nặng đè lên vai của người mẹ già, vừa phụ thêm thuốc thang cho người cha bị liệt.

Gần 10 năm chăm sóc chồng sống thực vật và hơn 15 năm gánh vác công việc của Chi hội Phụ nữ thôn 8, bà Nguyễn Thị Huệ luôn hoàn thành tốt hai vai trò giữa việc nhà và việc nước. Với những đóng góp của mình, bà đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2015 bà đã nhận được Kỷ niệm chương  "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”.

Hoàn cảnh là thế, nhưng với bà Huệ, ngoài việc làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, bà còn có một niềm đam mê khác đó là công tác Hội phụ nữ mà bà gắn bó nhiều năm với cương vị Chi hội trưởng thôn 8. Ngày nào cũng vậy, khi chưa tỏ mặt người, người phụ nữ này đã dậy lo cơm nước cho chồng, rồi đi làm đến quá trưa, có khi chiều mới có thể về nhà để chăm lo cho chồng. Lúc bà đi làm thì việc chăm sóc chồng phải nhờ tới hai vợ chồng người con trai đầu sống gần đó. Dù tất bật việc nhà, nhưng chưa ngày nào bà Huệ nghĩ sẽ từ bỏ công tác Hội. Năm 2017, khi Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp” đến với xã Hòa Sơn, Hội phụ nữ xã đã tiến hành thành lập “Tổ hợp tác chăn nuôi bò thâm canh” với 16 hội viên. Được sự nhất trí, tin tưởng và động viên của các chị em trong thôn, bà Huệ được đề xuất làm Tổ trưởng Tổ hợp tác. Đây có thể coi là “bàn đạp” giúp bà Huệ tìm lại hy vọng sau khi chồng gặp nạn. Bà mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông 30 triệu đồng để mua 2 con bò về nuôi. Nhận thấy cây cà phê trồng trên diện tích 1 ha đang chết dần, bà tiến hành chặt bỏ và thay vào đó trồng các cây hoa màu và cỏ voi, vừa cho thu nhanh lại có nguồn thức ăn cho bò. Đến nay, Tổ hợp tác phát triển thuận lợi với 18 hội viên và gần 70 con bò, trở thành địa chỉ đáng tin cậy của nhiều chị em phụ nữ trong thôn và là động lực để bà Huệ phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống cho hai vợ chồng.

Dù hoàn cảnh hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bà  Huệ luôn cố gắng để không phải đứng giữa lựa chọn “công” và “tư”. Niềm vui và động lực của bà Huệ cũng đơn giản như cách bà từng chia sẻ: “May mắn là tai nạn đã không cướp ông ấy đi vĩnh viễn, hoàn thành công việc xong về nhà thấy ông ấy vẫn nằm đó chờ mình, vẫn ăn khỏe, ăn nhiều là đã thấy vui lắm rồi”.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.