Multimedia Đọc Báo in

Buôn Pok nhiều năm liền không có người sinh con thứ ba

06:56, 24/12/2020

Buôn Pok (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) có 179 hộ, 876 nhân khẩu, gần 100% hộ là đồng bào dân tộc Êđê. Người dân buôn Pok chủ yếu làm nông nghiệp, trước đây do nhận thức hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu nên cái nghèo cứ dai dẳng, trẻ em không được chăm sóc tốt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao.

Muốn giảm nghèo thì bà con cần thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, song điều này không đơn giản bởi suy nghĩ sinh nhiều con để có người làm rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Bà H’Oanh Ayun, cộng tác viên dân số buôn Pok trò chuyện: "Suốt thời gian dài loay hoay tìm giải pháp, cán bộ chủ chốt của buôn cùng cộng tác viên dân số quyết định lồng ghép nội dung thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tuyên truyền trong những buổi họp, sinh hoạt cộng đồng; cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân về lợi ích của việc sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy tốt, cũng như phát triển kinh tế gia đình".

Bà H’Oanh Ayun (giữa),  cộng tác viên dân số  buôn Pok  đến từng nhà tư vấn về  kế hoạch hóa gia đình.
Bà H’Oanh Ayun (giữa), cộng tác viên dân số buôn Pok đến từng nhà tư vấn về kế hoạch hóa gia đình.
 
Người dân buôn Pok đều tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình, ai cũng ý thức được lợi ích của việc sinh ít con, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Nhiều năm liền buôn Pok đạt danh hiệu buôn văn hóa cấp huyện”.
 
Chị Bùi Thị Ánh Tuyết, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Kênh

Bà H’Oanh cho hay, nhiều cặp vợ chồng ở buôn Pok không có ý định sinh nhiều con, nhưng vì không am hiểu đúng về cách phòng, tránh thai nên cứ liên tục "vỡ kế hoạch". Không quản ngại khó khăn, cán bộ dân số xã, buôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó chú trọng những cặp sinh con một bề. Mưa dầm thấm lâu, nhiều năm gần đây việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở buôn Pok dần đi vào nền nếp. Đơn cử như trường hợp vợ chồng chị H’Thu Mlô, sinh hai con gái, nhưng quyết không sinh thêm để có thời gian chăm sóc, dạy dỗ các con và phát triển kinh tế gia đình. Ngoài trồng trọt, chồng chị H’Thu học thêm nghề xây dựng. Hiện tại, kinh tế gia đình anh chị thuộc diện khá trong buôn, hai con chăm ngoan, học hành tiến bộ.

Cán bộ dân số (bìa phải) đến tận nhà người dân buôn Pok tuyên truyền, tư vấn thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Cán bộ dân số (bìa phải) đến tận nhà người dân buôn Pok tuyên truyền, tư vấn thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Hay như gia đình ông Y Wan Ayun, năm 1997 sau khi sinh con thứ hai, vợ chồng ông quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhờ sinh ít con nên vợ chồng ông có thời gian phát triển kinh tế, chăm lo cho các con chu đáo. Hai con của ông Y Wan hiện đã tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định. Trong phát triển kinh tế, ngoài canh tác cà phê, hồ tiêu, ông Y Wan có gần 1 ha trồng các loại cây ăn quả, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Từ nguồn thu nhập ổn định, ông xây được nhà khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.

Ông Y Pôl Ayun, Trưởng buôn Pok cho biết, nhờ thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nên đời sống của bà con trong buôn từng bước nâng lên. Cả buôn chỉ còn 3 hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng; 100% trẻ trong độ tuổi đi học ra lớp, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có tảo hôn; các hộ đều có xe máy, máy cày. Hằng năm, bà con tích cực thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp chăn nuôi nên có nguồn thu nhập khá ổn định. Hiện trong buôn có 160 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thì trên 90% sử dụng các biện pháp tránh thai. Liên tục từ năm 2015 đến nay, buôn Pok không có trường hợp sinh con thứ ba.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.