Multimedia Đọc Báo in

Hiểu và giải quyết đúng chế độ thai sản đối với lao động là nam giới

06:38, 18/03/2018

Trước đây, chỉ có lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mới được hưởng chế độ thai sản. Từ năm 2016 trở đi, chế độ thai sản được áp dụng đối với cả lao động là nam giới có tham gia BHXH; tuy nhiên, phạm vi, mức hưởng chế độ này của nam hạn hẹp hơn so với lao động nữ.

Theo quy định tại Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì lao động nam có tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản bao gồm:

- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;

- Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

- Người lao động đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Về mức lương hưởng chế độ thai sản: Mức hưởng BHXH bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công đóng BHXH của 6 tháng liền trước khi nghỉ việc hưởng BHXH; trong trường hợp chế độ thai sản không đặt điều kiện về thời gian đóng BHXH, nếu người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng được tính bằng bình quân của các tháng đã đóng BHXH.

Khám thai, tư vấn chăm sóc thai kỳ cho sản phụ tại Trạm Y tế phường Thành Nhất,  TP. Buôn Ma Thuột.   Ảnh: K. Oanh
Khám thai, tư vấn chăm sóc thai kỳ cho sản phụ tại Trạm Y tế phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: K. Oanh

Về thời gian hưởng chế độ thai sản: Lao động là nam giới nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng BHXH cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Thực hiện các biện pháp triệt sản được nghỉ việc hưởng BHXH 15 ngày.

Thời gian nghỉ việc hưởng BHXH khi vợ sinh con tùy thuộc vào điều kiện sinh của vợ, nếu vợ sinh trong điều kiện bình thường thì người chồng được nghỉ 5 ngày làm việc; nếu vợ phải phẫu thuật khi sinh con hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì được nghỉ việc 7 ngày; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày; thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có người cha tham gia BHXH thì cha được hưởng trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại thời điểm sinh con cho mỗi con.

Về nguyên tắc, chế độ BHXH là thu nhập thay thế của người lao động khi phải nghỉ việc, không tham gia lao động, do đó các trường hợp nêu trên khi nghỉ việc hưởng BHXH thì không hưởng lương tại cơ quan, đơn vị. Những trường hợp lao động nam được giải quyết hưởng chế độ thai sản nhưng vẫn hưởng lương tại đơn vị là không đúng quy định, có thể là sự lạm dụng quỹ BHXH.

Chế độ thai sản đối với nam giới chỉ có một trường hợp người lao động vừa hưởng BHXH vừa hưởng lương tại cơ quan, đơn vị (nếu không nghỉ việc), là trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi; trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện (về thời gian đóng) hưởng BHXH sau khi sinh mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng (có tham gia BHXH) được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp này nếu người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con không nghỉ việc thì ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trả còn được hưởng chế độ thai sản do cơ quan BHXH chi trả cho đến hết thời gian tiêu chuẩn chế độ theo quy định.

Chế độ thai sản đối với lao động nam là quy định mới về BHXH, thể hiện công bằng, tính nhân văn trong chính sách BHXH. Để thực hiện tốt chính sách này, người lao động và các cơ quan, đơn vị cần nắm bắt, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chính sách để từ đó giải quyết đúng, đầy đủ chế độ cho người lao động, tránh tình trạng giải quyết sai, không giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ cho người lao động như trong thời gian vừa qua.

Trương Văn Bá

(Bảo hiểm Xã hội tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.