Multimedia Đọc Báo in

Khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào đời sống

09:28, 06/01/2020

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Đặc biệt, luật đã bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là "đã uống rượu, bia thì không được lái xe".

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số quy định như: “đã uống rượu, bia thì không được lái xe”; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; quán nhậu, nhà hàng hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu, bia; không mở mới điểm bán rượu, bia gần trường học, bệnh viện; các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia; không quảng cáo rượu, bia trong khung giờ vàng…

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông  cho các tài xế Công ty Cổ phần mía đường 333 (huyện Ea Kar).
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông cho các tài xế Công ty Cổ phần mía đường 333 (huyện Ea Kar).

Để đưa luật vào cuộc sống, ngày 30-12-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” với nhiều điểm mới thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016, theo đó quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Cụ thể, tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn như: đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng (trước đây 16-18 triệu đồng), tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng (trước đây 10-12 tháng) đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.

Qua thăm dò ý kiến một số người dân, điều dễ thấy là bà con rất đồng tình với quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” được luật hóa. Anh Vũ Ngọc Huân (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến hành vi do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia. Bản thân tôi luôn tự nhắc nhở rằng không thể vì ham vui mà gây nguy hiểm cho bản thân và những người đi đường được. Mong sao mọi người đều nâng cao ý thức chấp hành để tránh những tai nạn đáng tiếc”. Còn với phụ nữ - những người vợ, người mẹ đã từng thấp thỏm lo lắng khi phải đợi chồng con đi nhậu về thì càng tỏ rõ sự đồng tình ủng hộ khi luật có hiệu lực và mong muốn lực lượng chức năng quyết liệt, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền luật sao cho đạt hiệu quả thiết thực.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe ô tô trên đường Hồ Chí Minh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe ô tô trên đường Hồ Chí Minh.
 

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, cương quyết xử lý “ma men” để bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020”.

 
Trung tá Lý Văn Kết, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh

Theo ghi nhận, trong những ngày đầu Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, đa số các tài xế chấp hành tốt quy định không sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe. Có nhiều trường hợp sau khi sử dụng rượu, bia đã nhờ người thân, chủ quán nhậu đưa về hoặc đi grab, taxi để về nhà… Song song với công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói chung, vi phạm nồng độ cồn nói riêng, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tiến hành giải thích, xử lý chặt chẽ, đúng quy định. Chỉ trong 2 ngày đầu ra quân thực hiện theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử phạt 97 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm về nồng độ cồn.

Theo Trung tá Lý Văn Kết, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, để luật thực sự có hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân. Trước hết, phải tuyên truyền mạnh mẽ các quy định của luật đến với tất cả mọi người dân; có biện pháp tuyên truyền, thậm chí tiến tới có thể nghiên cứu biện pháp xử phạt chủ nhà hàng hoặc quán nhậu có thực khách vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Có như thế, chủ nhà hàng, quán ăn mới có ý thức, trách nhiệm đối với thực khách của mình. Họ phải coi đây là trách nhiệm của mình, khi thấy khách uống rượu, bia thì nhắc nhở, khuyến cáo không lái xe. Thậm chí, nhà hàng có thể có đội ngũ nhân viên lái xe đưa về nhà hoặc hỗ trợ giữ phương tiện lại cho khách như thường thấy ở nhiều nước.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.