Multimedia Đọc Báo in

Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2016: "Nóng" chuyện việc làm

06:49, 28/02/2016

Nhiều băn khoăn, thắc mắc của học sinh (HS), phụ huynh HS trên địa bàn tỉnh liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đến từ Bộ GD-ĐT, các trường đại học (ĐH) giải đáp tại chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn tổ chức.

Cân nhắc lựa chọn ngành học

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT: “Quy chế tuyển sinh năm 2016 có nhiều điểm thay đổi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến TS. Một số điều chỉnh sẽ khắc phục được bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015”. Cụ thể quy định mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức cụm thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ giảm đáng kể lượng TS phải di chuyển ra 38 cụm thi tập trung ở các thành phố như năm 2015. Các đơn vị chủ trì cụm thi được quyền công bố kết quả sẽ giúp TS và người nhà tra cứu kết quả thi nhanh chóng, không phải chờ đợi do có quá nhiều người truy cập tập trung vào một số máy chủ gây nghẽn mạng. Trường ĐH chủ trì cấp duy nhất một Giấy chứng nhận kết quả thi có mã số để sử dụng trong đăng ký xét tuyển sẽ giúp TS có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của các trường ĐH mà không cần phải đến nộp đăng ký xét tuyển trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện. Việc quy định mỗi đợt xét tuyển TS được phép đăng ký xét tuyển ở nhiều trường (hai trường ở đợt 1, ba trường ở các đợt sau), mỗi trường tối đa hai ngành, vừa giúp TS có nhiều lựa chọn để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành/trường phù hợp như năm 2015, vừa khắc phục tình trạng TS ồ ạt rút đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp sang trường khác. Ngoài ra quy định đăng ký xét tuyển ở mỗi trường ĐH chỉ được tối đa 2 ngành thay vì 4 ngành như quy định năm 2015 buộc TS phải suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn ngành học, tránh “vô tư” đăng ký mà không quan tâm đến sở thích, sở trường và nhu cầu tuyển dụng lao động trên thị trường.

Học sinh nêu câu hỏi với Ban tư vấn.
Học sinh nêu câu hỏi với Ban tư vấn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thông tin thêm, toàn tỉnh Đắk Lắk được ưu tiên khu vực 1 nên TS sẽ được cộng 1,5 điểm vào kết quả tuyển sinh, đây là lợi thế rất lớn.

“Nóng” chuyện việc làm

Tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, một HS đặt câu hỏi với Ban tư vấn: “Chúng em nghe thông tin hiện có nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Các thầy cô có thể lý giải việc này ra sao? Và cho chúng em lời khuyên sau khi tốt nghiệp THPT có nên học trung cấp, học nghề?”. Một HS khác lo lắng: “Em thật sự thích nghề giáo nhưng thấy nhiều anh, chị học sư phạm ra trường không được đi dạy. Sau khi tốt nghiệp thì làm sao mới được vào dạy ở các trường THPT? Nếu không đi dạy, thì với tấm bằng sư phạm em có thể làm việc gì khác?”. Không riêng gì các em HS, nhiều phụ huynh tham dự buổi tư vấn cũng băn khoăn về cơ hội việc làm của con sau khi ra trường. Ông Lê Văn Minh, phụ huynh em Lê Gia Hưng (lớp 12 Trường THCS - THPT Đông Du) có mặt tại buổi tư vấn từ rất sớm cho biết: “Hơn ai hết bố mẹ là người tư vấn, giúp con lựa chọn ngành nghề. Dù rất bận công việc tại một bệnh viên tư, tôi vẫn dành thời gian tham dự buổi tư vấn với mong muốn nắm bắt thêm nhiều thông tin về kỳ thi, đặc biệt là nghe các chuyên gia tư vấn chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, chọn ngành để cùng con lựa chọn ngành học phù hợp. Ngoài tiêu chí phù hợp với năng lực học tập, sở thích thì việc chọn ngành học nào để không thất nghiệp cũng được cân nhắc trước khi đặt bút viết vào hồ sơ đăng ký dự thi”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên học xong ĐH ra trường thất nghiệp: nền kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo... Các trường ĐH cũng như trường nghề đều có đầy đủ khóa đào tạo trang bị kiến thức cho người học. Nếu các em không học ĐH thì có thể chọn con đường học nghề, sau đó có thể học liên thông lên ĐH. Tôi khuyến cáo các em ngay từ trường THPT phải chăm học và lên ĐH càng phải cố gắng hơn, chắc chắn cơ hội việc làm sẽ đến. Để chọn học nghề hay học ĐH tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu nhân lực của địa phương. Các em cần cân nhắc để chọn con đường lập nghiệp đúng đắn”. Còn theo Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: “Cơ hội việc làm và sự nghiệp phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Do vậy các em cần tự đặt lại câu hỏi là đã chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có thật sự đam mê nhóm ngành đã chọn, sau đó xem xét lại nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội. Các em có thể chọn địa phương mình hay địa phương khác để lập thân, lập nghiệp”.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.