Multimedia Đọc Báo in

Số lượng học sinh Việt Nam du học ngày càng tăng – nên vui hay buồn?

08:28, 19/08/2018
Thông tin mỗi năm người Việt chi 3 - 4 tỷ USD đi du học chắc hẳn phải làm cho những người quan tâm đến giáo dục buồn vui lẫn lộn.
 
Hiện nay, du học sinh Việt Nam có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đông nhất là Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp, Anh. Điều đó cho thấy ngày càng nhiều người Việt có cơ hội tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là nỗi lo khi nền giáo dục trong nước dường như đang bị giảm đi ít nhiều sức hấp dẫn đối với học sinh và các bậc phụ huynh. 
 
Với những vấn đề nổi cộm đáng lo lắng của ngành Giáo dục trong thời gian qua, hẳn có không ít người đang ước giá mà có điều kiện để cho con đi du học. Làm sao lại không muốn cho con đi du học khi mà chỉ riêng việc nộp đơn học lớp 10 cho con, phụ huynh ở Hà Nội năm 2018 vẫn phải xếp hàng từ nửa đêm? Chỉ tiêu trường công luôn ít hơn số học sinh có nhu cầu, còn học phí trường tư không phải ai cũng theo nổi, chất lượng đào tạo của các trung tâm giáo dục thường xuyên lại chưa làm phụ huynh yên tâm.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Làm sao có thể không mơ ước giá được cho con đi du học sau mấy ngày bấn loạn vì đòn cân não “nộp hồ sơ trường nào?” và “làm thế nào để rút được hồ sơ ra?” trước cảnh công bố điểm chuẩn đại học như “sàn chứng khoán”, sáng 46 điểm, chiều 49 điểm, sáng mai đã là 50,5 điểm? Làm sao có thể không đẩy con vào cuộc đua học thêm, luyện thi đến không còn thời gian để ngủ, phải ăn vội ăn vàng trên yên xe máy khi mà đề thi THPT quốc gia năm thì quá dễ nên 30 điểm vẫn không đỗ đại học, năm thì lại quá khó đến thầy cô cũng không làm kịp giờ? Và khi cả phụ huynh lẫn học sinh đều phải quay cuồng với lịch học thì thời gian cho các kỹ năng sống dĩ nhiên là vô cùng hạn hẹp. Hệ quả tất yếu là nhiều học sinh giỏi bị biến thành “gà công nghiệp”. 
 
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước mỗi năm dành nguồn kinh phí không nhỏ để đầu tư cho giáo dục. Các gia đình cũng không tiếc tiền bạc, công sức đầu tư cho sự nghiệp học hành của con cái. Đã đến lúc ngành Giáo dục cần phải có những thay đổi tích cực, hiệu quả và thực chất để học sinh không phải tìm cách du học chỉ vì muốn thoát khỏi phương cách giáo dục trong nước!
 
Lại Thị Ngọc Hạnh

Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.