Multimedia Đọc Báo in

Brussels (Bỉ) rúng động vì loạt đánh bom khủng bố khiến 31 người chết

09:07, 24/03/2016
Trong cuộc họp báo vào trưa 23-3 theo giờ địa phương, công tố viên Bỉ cho biết đã có tổng cộng 31 người chết và 270 người bị thương trong các vụ tấn công khủng bố tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở Brussels một ngày trước đó.
 
Theo công tố viên Frederic van Leeuw, tên Ibrahim El Bakraoui đã tự kích nổ khối bom mang trên mình tại khu vực quầy làm thủ tục lên máy bay ở sân bay Zaventem, vụ nổ đầu tiên trong loạt đánh bom liên hoàn. Người anh em ruột của y là Khalid El Bakraoui thực hiện vụ tấn công ở ga tàu điện ngầm Maalbeek, gần trụ sở Liên minh châu Âu EU. Hiện cơ quan công tố vẫn chưa xác định được danh tính kẻ thực hiện vụ đánh bom thứ hai tại sân bay. Nghi phạm thứ ba xuất hiện trong bức ảnh được trích xuất từ camera an ninh tại sân bay, mặc áo trắng được xác định là tên Najim Laachraoui, hiện vẫn đang bị truy nã gắt gao. 
 
Cảnh hoang tàn sau vụ đánh bom ở Brussels. (Nguồn: AP)
Cảnh hoang tàn sau vụ đánh bom ở Brussels. (Nguồn: AP)
 
Ông Van Leeuw cho biết, những kẻ tấn công đã tới sân bay bằng taxi từ khu vực Schaerbeek ở Brussels. Trong quá trình bố ráp một căn hộ ở Schaerbeek, cảnh sát đã phát hiện một chiếc máy tính xách tay có chứa một văn bản do Ibrahim El Bakraoui, trong đó có nội dung nói rằng y đang bị cảnh sát nghi ngờ nên muốn chấm dứt một cuộc gọi. Ông Van Leeuw cũng cho hay, một người đàn ông đã bị bắt ở Schaerbeek và hiện đang được thẩm vấn, còn một người khác đã được trả tự do.
 
Có lẽ chưa bao giờ, thủ đô Brussels của Bỉ, nơi được mệnh danh "trái tim châu Âu" với trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại trải qua một ngày đen tối như hôm 22-3. 
 
Ngoài đường, chỉ có tiếng còi hú của xe cứu thương, xe cảnh sát, xe cứu hỏa. Các bệnh viện ở vùng thủ đô Brussels đều trở thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và cứu chữa những người bị nạn. Trung tâm khủng hoảng được thiết lập tại Trung tâm thể thao thành phố Zaventem, nơi đón tiếp hành khách đi máy bay. Các nhân viên hỗ trợ làm việc hết công suất để trấn an hành khách và phục vụ mọi người. Không ít hành khách vẫn khá hoảng loạn. Chị Chantal Tiako, một hành khách người Cameroon đến Paris và quá cảnh ở sân bay Zaventem, cho biết chị cùng mọi người lên Hall A để làm thủ tục. Khoảng năm phút sau, chị nghe thấy tiếng nổ lớn, các mảnh vỡ cửa kính bắn tung tóe. Chị cùng mọi người chạy tán loạn. Cảm giác của chị rất sợ hãi vì chưa bao giờ thủ đô Brussels lại nguy hiểm như hiện nay. "Cho tới giờ tôi vẫn chưa hết hoảng sợ khi biết rằng rất nhiều người bị thiệt mạng và bị thương trong các vụ nổ ở sân bay và ga tàu điện ngầm Maelbeek. Cảm giác bất an chế ngự trong tôi. Có lẽ tôi không dám tới sân bay nữa. Tôi không biết sẽ về Paris như thế nào. Trước mắt, tôi tìm một khách sạn ở Brussels để qua đêm đã", chị Chantal Tiako tâm sự.
 
Con đường cao tốc từ sân bay Zaventem dẫn về thủ đô Brussels trở nên thông thoáng kỳ lạ nhưng càng vào sâu trong thành phố thì dòng xe càng đông. Mọi ngả đường về trung tâm đều bị phong tỏa. Dòng xe chậm rãi nhích từng mét. Xe cảnh sát chắn khắp nơi. Một quả bom được phát hiện gần trường đại học Tự do Brussels và cảnh sát đã tháo ngòi nổ. Cảnh báo đã được nâng lên mức bốn trên toàn lãnh thổ. Các nhà chức trách Bỉ nhận định đây là một thảm họa đối với đất nước kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. 
 
Trong tuyên bố đưa ra sau thảm kịch tại Brussels, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francoi Hollande... tuyên bố không đầu hàng trước chủ nghĩa khủng bố. 
 
Hai phụ nữ bị thương trong vụ tấn công khủng bố ở sân bay Brussels, Bỉ. Ảnh: AP.
Hai phụ nữ bị thương trong vụ tấn công khủng bố ở sân bay Brussels, Bỉ. Ảnh: AP.
 
Ngày 23-3, trên toàn châu Âu, từ Tháp Eiffel tại Pháp cho tới Cổng Brandenburg ở Đức đều được thắp sáng bằng ba màu đen, vàng, đỏ theo cờ nước Bỉ nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân cũng như sự chia sẻ đối với những nạn nhân và người nhà của họ trong các vụ tấn công trên. Tại Brussels, hàng trăm người tập trung tại Place de la Bourse - một công trình kiến trúc nổi tiếng, được xem là điểm tham quan của khách du lịch trong thủ đô, để tỏ lòng thương tiếc những nạn nhân xấu số. Trong khi đó, tại London (Anh), người hâm mộ của ca sỹ nổi tiếng Adele đã thắp sáng sân vận động O2 bằng ánh sáng đèn của điện thoại sau khi ngôi sao nhạc pop này đề nghị dành một phút mặc niệm những nạn nhân thiệt mạng trong loạt vụ đánh bom tại Brussels.
 
Ngoài cam kết bảo vệ nền dân chủ và chống lại chủ nghĩa khủng bố bằng mọi giá, EU cho rằng các vụ tấn công nhằm vào "trái tim châu Âu" là xúc phạm xã hội dân chủ. Loạt vụ tấn công mới nhất này chỉ càng làm gia tăng ý trí và lòng quyết tâm của châu Âu nhằm bảo vệ những giá trị vốn có.
 
Với những ngôn từ mạnh nhất sau vụ khủng bố tại Bỉ, Tổng thống Mỹ Barack Obama thề sẽ đẩy mạnh chiến dịch truy quét để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) không còn chốn dung thân tại Syria và Iraq. Phát biểu trong chuyến thăm Argentina đang diễn ra, Tổng thống Obama nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của ông hiện nay là đánh bại và cuối cùng là tiêu diệt IS, nhóm khủng bố nhận trách nhiệm gây ra các cuộc tấn công tại Bỉ khiến 31 người thiệt mạng và hơn 260 người bị thương. Ông Obama cho biết Mỹ đang hỗ trợ tất cả những gì có thể để đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý.
 
Tại Washington, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ trong mọi lĩnh vực và tạo mọi điều kiện để giúp nước đồng minh châu Âu đối phó với khủng bố. "Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất kỳ thông tin, khả năng, công nghệ nào mà chúng tôi có để hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của Bỉ”, ông Biden cam kết.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Bỉ vào ngày 25-3 để bàn thảo với các quan chức Bỉ và Liên minh châu Âu về tiến trình điều tra vụ khủng bố cũng như các biện pháp đối phó với chủ nghĩa lực đoan bạo lực. Sự hỗ trợ của Mỹ là rất cần thiết trong lúc này khi mà năng lực chống khủng bố của Bỉ đang bị đặt dấu hỏi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa cho biết một trong những nghi phạm đánh bom tại Bỉ đã bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và trục xuất vào năm 2015 nhưng sau đó lại được chính quyền Bỉ phóng thích vì không tìm được chứng cứ dính líu tới khủng bố. Hãng tin NBC News cũng dẫn một tài liệu của chính phủ Mỹ cho biết, trong một cuộc họp với các quan chức Bỉ vào đầu tháng 11-2015, phía Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa từ các chiến binh trở về từ Iraq và Syria trong đó có nhiều người mang quốc tịch Bỉ. Phía Bỉ khi đó khẳng định tình hình đang dần nằm trong tầm kiểm soát nhờ các biện pháp và mạng lưới ngăn ngừa dày đặc trong nước cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ trong kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, chỉ 9 ngày sau, các chiến binh IS từ Bỉ đã tiến hành vụ khủng bố đẫm máu tại Paris khiến hơn 130 người thiệt mạng. Nghi phạm chủ chốt trong vụ tấn công này cũng đã lẩn trốn tới 4 tháng cho đến khi bị bắt vào tuần trước tại Brussels.
 
Trong khi đó, các nước tiếp tục thắt chặt an ninh sau vụ khủng bố Brussels. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz ngày 22-3 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục duy trì cảnh báo an ninh ở mức 4 - đồng nghĩa với việc một mối đe dọa thực sự có thể xảy ra. Phát biểu sau 2 cuộc họp có sự tham dự Ủy ban Đánh giá các mối đe dọa khủng bố và Hiệp ước chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của Tây Ban Nha, ông Diaz nhấn mạnh quốc gia này hiện đang bị đe dọa bởi các nhóm khủng bố, do vậy Chính phủ Tây Ban Nha vẫn tiếp tục duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao và không thể lơ là mất cảnh giác. Quyền Bộ trưởng Diaz cũng cho rằng 22-3 là một “ngày đen tối với châu Âu” và đã có 4 công dân Tây Ban Nha bị thương trong loạt vụ tấn công nói trên tại Brusels.
 
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng cho rằng “không ai có thể bảo đảm sẽ không thể trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công bừa bãi và tàn ác". 
 
Kể từ tháng 6 năm ngoái, Tây Ban Nha đã đặt cảnh báo an ninh quốc gia ở mức 4 trong tổng số 5 mức trên thang cảnh báo. Theo đó, lực lượng an ninh và tình báo nước này luôn nêu cao cảnh giác, đặc biệt chú trọng bảo vệ hạ tầng cơ sở chính của Tây Ban Nha như các ga tàu điện ngầm, sân bay…, trong khi có thêm nhiều cảnh sát được điều động tới đảm bảo an ninh tại các trụ sở hành chính quan trọng. 
 
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 23-3 khẳng định bất chấp các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu, chính phủ Australia sẽ không tăng cường các biện pháp an ninh quốc gia. Ông cũng cho rằng châu Âu đã cho phép "buông lỏng an ninh", ám chỉ tới Hiệp ước Shengen về một khu vực tự do đi lại không cần thị thực. Nhà lãnh đạo Australia khẳng định các lực lượng bảo vệ tuyến đường biển của nước này đang được đặt trong tư thế sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công khủng bố tiềm năng, trong khi lực lượng biên phòng cũng đã được nâng cao cảnh giác và gần đây đã ngăn chặn thành công 6 hoạt động khủng bố ở nước này.
 
Nhiều nước châu Á cũng đã tăng cường an ninh tại các sân bay và khu vực công cộng, sau loạt vụ khủng bố xảy ra tại Brussels. 
 
Ba nghi can thực hiện loạt vụ đánh bom khủng bố ở sân bay Zaventem. Ảnh chụp từ camera an ninh của sân bay
Ba nghi can thực hiện loạt vụ đánh bom khủng bố ở sân bay Zaventem. Ảnh chụp từ camera an ninh của sân bay
 
Chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn về an ninh, với sự tham gia của các quan chức an ninh sân bay, tàu điện ngầm, đại diện của cảnh sát và Cơ quan tình báo quốc gia. Sau cuộc họp, một loạt biện pháp an ninh tăng cường chống khủng bố đã được thông báo, trong đó có việc siết chặt an ninh tại các cơ sở chính ở thủ đô Seoul và kiểm tra những biện pháp an ninh tại các sân bay, ga tàu điện ngầm và cơ sở có chứa những vật liệu nguy hiểm. Giới chức Hàn Quốc không loại trừ nguy cơ các phần tử cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu quan trọng của nước này. Ông Lee Jong- Kyu, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố tại sân bay quốc tế Incheon cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường an ninh tại sân bay sau các vụ tấn công tại Bỉ, với việc triển khai thêm các nguồn lực. Hàng trăm nhân viên an ninh, bao gồm các đội xử lý vật liệu nổ và các đội bảo vệ đặc biệt đã được cử tới ga hành khách, cùng nhiều địa điểm cả bên trong và bên ngoài sân bay”. Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết sẽ cấm những phần tử bị nghi là khủng bố hay các phần tử khủng bố nước ngoài nhập cảnh vào nước này, đồng thời tăng cường giám sát những khu vực có đông người nước ngoài.
 
An ninh cũng được thắt chặt tại sân bay quốc tế ở thủ đô Manila của Philippnes, với các biện pháp kiểm tra an ninh nghiêm ngặt đối với tất cả các hành khách. Lực lượng an ninh tăng cường và chó nghiệp vụ đã được triển khai bên ngoài tòa nhà. Người phát ngôn sân bay quốc tế Manila David de Castro cho biết: "Sau các vụ tấn công tại  Brussels, chúng tôi đã tăng cường các biện pháp an ninh tại khu vực sân bay quốc tế ở thủ đô Manila. Như đã thông báo trước đó, chúng tôi cũng đã đặt an ninh tại khu vực trong tình trạng báo động cao, với việc tăng cường giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn hồ sơ hành khách”.
 
Cùng ngày, các thành phố lớn ở Ấn Độ đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao. Nhiều điểm kiểm tra an ninh đã được dựng lên trên tuyến đường dẫn tới quân bay quốc tế Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ Haribhai Parthibhai Chaudhary cho biết:  “Chúng tôi đã chỉ đạo cho các bang thành lập các cơ quan chống khủng bố và nếu họ thiếu các nguồn lực chính phủ liên bang sẽ cung cấp cho họ. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bang để đảm bảo không có sự cố nào xảy ra”.
 
Hồng Hải (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc