Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng trước thềm cuộc gặp Nga - Mỹ

09:33, 17/07/2017

Ngày 15-7, Nga tuyên bố sẵn sàng trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ và trả đũa Mỹ trong vấn đề tài sản ngoại giao.

Căng thẳng mới này xảy ra trước thềm cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon vào ngày 17-7.

Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai nước Nga và Mỹ tiếp tục giảm sút, nhất là kể từ sau khi phía Mỹ có những biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Nga không bao giờ mong muốn áp đặt các biện pháp cực đoan trong quan hệ với Mỹ, nhưng phản ứng từ phía Nga sẽ được thực hiện dựa trên các động thái từ phía Mỹ. “Tất nhiên, nếu tình hình không chuyển biến thì chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa”, bà Zakharova nói. “Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về vấn đề này. Chúng tôi biết cách trả đũa. Số lượng nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ tại Moscow cao hơn nhiều so với số lượng nhân viên của chúng tôi tại Đại sứ quán ở Washington. Vì vậy, một trong lựa chọn rõ ràng, đó là trục xuất bớt nhân viên Mỹ tại Đại sứ quán để số lượng nhân viên của hai bên bằng nhau”.

Theo báo Izvestia của Nga, nước này đang lên kế hoạch trục xuất gần 30 nhà ngoại giao Mỹ và tịch biên một số tài sản của Đại sứ quán Mỹ tại Nga.

Biện pháp này của Nga được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ không trả lại tài sản của Đại sứ quán Nga tại Mỹ bị tịch biên từ tháng 12 năm ngoái như một phần của các biện pháp trừng phạt do chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Obama đưa ra vì cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.

Ngoài động thái trên, ông Obama còn ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga để phản ứng trước điều giới chức Mỹ cho là sự can thiệp mạng của Nga vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nhưng khi đó, phía Nga không áp đặt các biện pháp trả đũa với hy vọng quan hệ với Mỹ sẽ được cải thiện khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.

Tuy nhiên, bế tắc trong quan hệ giữa Nga và Mỹ dưới thời chính quyền mới ở Mỹ vẫn chưa được khai thông. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, vụ việc này tiếp tục được Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần qua tại Đức. Tuy nhiên, Mỹ đã không đưa ra bất cứ phương án nào để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao này.

Do đó, Nga cho biết, trong tuần tới sẽ đưa ra quyết định liệu có trả đũa Mỹ liên quan đến việc Mỹ tịch biên tài sản ngoại giao của Nga ở Mỹ hay không, hành động của Nga sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp tại Mỹ vào ngày 17-7 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho biết: “Hai bên có nhiều cuộc họp ở các cấp khác nhau, bao gồm cả việc tiếp xúc thông qua phía Đại sứ quán. Chúng tôi mong đợi có các đề xuất cụ thể từ phía Mỹ và các cuộc đàm phán sẽ đi sâu vào chi tiết để giải quyết vấn đề này. Hiện chưa thể nói đến kết quả khả thi của các cuộc đàm phán mà trước tiên hãy để Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon có cơ hội để giải quyết vấn đề này”.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã không giúp tháo gỡ những rào cản bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã không giúp tháo gỡ những rào cản bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Tuy nhiên, theo báo Izvestia, cuộc họp giữa 2 quan chức trên có thể bị hủy bỏ từ phía Nga nếu các vấn đề liên quan đến các khu nhà ngoại giao của Nga tại Mỹ không được giải quyết. Điều này sẽ xảy ra nếu Mỹ không quay trở lại cuộc thảo luận về vấn đề liên quan đến việc trả lại các tòa nhà ngoại giao của Nga cũng như không thiết lập chương trình nghị sự tham vấn có lợi cho cả hai bên.

Diễn biến căng thẳng trên đã củng cố nhận định của giới quan sát quốc tế rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump không giúp tháo gỡ những rào cản bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Cuộc hội đàm hiếm hoi kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 30 phút theo kế hoạch ban đầu, chỉ có thể là một tín hiệu tích cực, cho thấy hai bên sẵn sàng tạm gác những bất đồng và tiến hành đối thoại nhằm tìm tiếng nói chung trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ thời gian qua đặc biệt căng thẳng.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu Nga tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ thì quan hệ giữa hai nước, vốn đã bị xuống cấp nghiêm trọng sau khi Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, sẽ ngày càng trở nên xa cách và khó hàn gắn. Chính vì thế, để khai thông bế tắc, hai bên cần phải nỗ lực vượt qua chặng đường đầy chông gai phía trước.

Trong một diễn biến liên quan, AFP đưa tin ngày 15-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo việc bổ nhiệm một cựu công tố viên liên bang làm luật sư đặc biệt, người được truyền thông nước này cho rằng sẽ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan tới vụ điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016.

Một thông báo ngắn của Nhà Trắng cho hay ông Ty Cobb, cộng sự của hãng luật Hogan Lovells tại Washington, sẽ trở thành một thành viên chủ chốt của Nhà Trắng với vai trò là một luật sư đặc biệt.

Nhiều thông tin truyền thông Mỹ cho rằng ông Cobb sẽ xử lý các phản hồi truyền thông của Nhà Trắng liên quan các cuộc điều tra đang diễn ra về nghi vấn Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và khả năng có sự thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Nhà Trắng đưa ra thông báo này sau một tuần ồn ào tại Washington xung quanh cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử, sau khi có các thông tin cho rằng con trai cả của ông Trump đã gặp một luật sư có quan hệ với Điện Kremlin vào tháng 6-2016, sau khi được hứa hẹn cung cấp thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.