Multimedia Đọc Báo in

Bán đảo Triều Tiên trước cơ hội hiện thực hóa hòa bình chưa từng có

08:34, 04/05/2018
Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4 vừa qua, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đang nỗ lực triển khai những cam kết đã đạt được.

Mở ra “trang sử mới”

Hãng tin Yonhap, Hàn Quốc ngày 1-5 dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí với đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều về việc thiết lập các văn phòng liên lạc tại thủ đô của hai nước nhằm tăng cường tiếp xúc song phương.

Cùng ngày, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đã bắt đầu gỡ bỏ loa phóng thanh tại khu vực biên giới. Trước đó, vào ngày 30-4, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Quốc hội nước này đã thông báo quyết định hợp nhất múi giờ của Triều Tiên với múi giờ của Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 5-5 tới.

Có thể nói, một “trang sử mới” đã thực sự bắt đầu trên bán đảo Triều Tiên khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký bản Tuyên bố chung Panmunjom ngày 27-4, đặt những viên gạch nền tảng cho tương lai hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Nội dung bản tuyên bố chung 13 điểm thể hiện sự tin cậy và tinh thần đối thoại xây dựng, trong đó hai bên nhất trí ngừng tất cả các hành động thù địch và tiến tới ký Hiệp ước hòa bình, kết thúc chiến tranh trong năm nay; khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; tiến hành thường xuyên các cuộc đàm phán, tổ chức đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, thực hiện một loạt dự án hợp tác kinh tế và giao lưu xã hội...

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ hai, trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, phải)  tại cuộc hội đàm ở Panmunjom ngày 27-4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ hai, trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ hai, phải) tại cuộc hội đàm ở Panmunjom ngày 27-4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Để tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-4, trên thực tế hai miền Triều Tiên đã chấm dứt các hành động thù địch, ngừng tuyên truyền chống phá lẫn nhau tại khu vực biên giới, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể thao văn nghệ... Hoạt động đoàn tụ gia đình ly tán đã được hai bên triển khai từ sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên năm 2000 với 21 đợt đoàn tụ trực tiếp và 7 đợt qua video tính đến thời điểm hoạt động này bị gián đoạn hồi tháng 10-2015. Hợp tác kinh tế cũng đã được xúc tiến từ lâu mà biểu tượng là khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập từ năm 2004 và bị đóng cửa đầu năm 2016 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư. Đây sẽ là những “bàn đạp” để hai miền Triều Tiên nối lại và tăng cường những hoạt động hợp tác và giao lưu nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Vẫn còn nhiều gian nan

Tuy nhiên, những cam kết để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được đánh giá khó thực hiện, thậm chí thực sự là tiến trình gian nan. 

Một trong những lý do khiến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên đặc biệt phức tạp là do vấn đề này không chỉ liên quan tới hai miền Triều Tiên mà còn dính líu tới rất nhiều bên, trong đó có Mỹ. Bản thân Hiệp định đình chiến năm 1953, kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng được nhiều bên ký kết, bao gồm cả đại diện Mỹ và Trung Quốc. Mấu chốt của vấn đề hiện được cho là nằm ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm sau khi trồng cây thông hòa bình tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm sau khi trồng cây thông hòa bình tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Lâu nay, Mỹ vẫn tuyên bố theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo các phương thức khác nhau và không phải bây giờ Mỹ và Triều Tiên mới thương thảo về vấn đề này. Có thể coi vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh mà khởi nguồn của nó là từ những năm 1950 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Hàn Quốc. Dưới thời Chiến tranh Lạnh, từ năm 1958 đến năm 1991, Mỹ đã triển khai tới 950 vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, bao gồm các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật lẫn chiến lược, từ đạn pháo hạt nhân cho đến tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân. Lo sợ Hiệp định đình chiến có thể bị vi phạm bất kỳ lúc nào, Triều Tiên ngay lập tức có biện pháp phòng bị mà kết quả là Trung tâm hạt nhân Yongbyon được xây dựng với sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc.

Theo đánh giá của giới phân tích, những tín hiệu tích cực từ Hàn Quốc và Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều cho thấy, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều đang thể hiện thái độ nghiêm túc, thiện chí và quyết tâm biến cơ hội hiếm có này thành “cú hích” tạo bước ngoặt hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lần thứ nhất bùng nổ năm 1993 sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đề xuất thanh sát đặc biệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, động thái mà Bình Nhưỡng cho là “thù địch với chủ quyền quốc gia”. Khi đó, “ngòi nổ” chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã được tháo nhờ chính sách hòa giải và thương lượng được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton áp dụng, với việc Washington và Bình Nhưỡng ký Thỏa thuận khung (KEDO) tháng 10-1994, theo đó Triều Tiên sẽ ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân, đổi lại Mỹ cam kết xây dựng cho Triều Tiên hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và cung cấp 500.000 tấn dầu nặng để chế tạo năng lượng hạt nhân dùng cho mục đích dân sự.

Mâu thuẫn sau vụ Mỹ liệt Triều Tiên vào cái gọi là “trục ma quỷ” và ngừng thực hiện Thỏa thuận khung đã “kích hoạt” cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ hai, mà đỉnh điểm là năm 2003 Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với lý do “tình thế nghiêm trọng mà chủ quyền của dân tộc và an ninh của Triều Tiên bị đe dọa do chính sách thù địch của Mỹ”.

Kể từ đó, nhiều nỗ lực hòa giải đã được xúc tiến, bao gồm cả cơ chế đàm phán 6 bên với sự tham gia của Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga được triển khai từ tháng 8-2003. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn thiếu lòng tin chiến lược, Washington duy trì chính sách gây sức ép nặng nề đối với Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt, còn Bình Nhưỡng phản ứng cứng rắn bằng các vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến vòng xoáy đối đầu và thù địch giữa hai bên không có điểm dừng.

Kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua đang tạo “cơ hội lịch sử” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, cả Mỹ và Triều Tiên cần phải xác định mỗi bên sẽ nhượng bộ đến đâu.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.