Multimedia Đọc Báo in

Rừng Hồng trà trên đỉnh núi Đôn

05:59, 16/02/2018

Đến thăm Vườn Quốc gia Yok Đôn, chúng tôi được biết ở đây có một loài trà hoa đỏ (hồng trà) rất quý lần đầu tìm thấy tại Việt Nam. Tuy nhiên, loài hồng trà này lại ở tận trên ngọn núi cao nhất vùng: Yok Đôn - tức núi Đôn.

Vượt núi tìm trà

Một buổi sáng đầu đông, tiết trời se lạnh, chúng tôi cùng đoàn cán bộ kiểm lâm, nhân viên Phòng Khoa học và Quan hệ Quốc tế Vườn Quốc gia Yok Đôn chinh phục đỉnh núi Đôn cao 482m so với mực nước biển  - nơi trà hoa đỏ đang ngự trị. Hành trang chúng tôi mang theo chỉ là chiếc ba lô nhỏ đựng đồ ăn, nước uống gọn nhẹ cùng khát khao chiêm ngưỡng loài trà quý, hiếm lần đầu tìm thấy ở Việt Nam. Vừa đi, anh Lưu Văn Diện, nhân viên Phòng Khoa học và Quan hệ Quốc tế phụ trách mảng nghiên cứu thảm thực vật tại Vườn cho biết, hiếm nơi nào có khí hậu đa dạng, cảnh sắc tuyệt đẹp như ở đây. Dưới núi là kiểu rừng khộp, trên đỉnh lại là kiểu rừng thường xanh và bán thường xanh tươi tốt quanh năm. Thời điểm để nhận biết sự khác biệt này là vào mùa khô, khi cánh rừng khộp trụi lá trơ thân, riêng núi Đôn vẫn sừng sững giữ nguyên màu xanh của đại ngàn. Chính sự phân bố không theo quy luật đã vô tình tạo thành nơi lý tưởng cho trà hoa đỏ sinh sôi nảy nở. 

Anh Lưu Văn Diện đang tìm hiểu về giống hồng trà.
Anh Lưu Văn Diện đang tìm hiểu về giống hồng trà.

Sau 3 giờ cắt rừng, vượt núi, ai nấy đều thấm mệt nhưng hồng trà vẫn chưa xuất hiện. Anh Diện tiếp tục động viên “Chúng ta cứ lội hết ngọn núi này kiểu gì cũng tìm được. Trà mọc từng vạt, hoa nở đẹp lắm”. Kiên trì “chơi trò trốn tìm” thêm 2 tiếng nữa, loài trà kiêu sa mới chịu “mở cửa đón khách” bằng những bông hồng tươi thắm khoe sắc dưới nắng vàng. Thật may cho chúng tôi khi lên đúng mùa hồng trà bắt đầu bung nở hoa. Không phải một cây, hai cây, mà đến cả trăm cây hồng trà đang đơm nụ, khoe sắc. Hoa trà có cánh màu hồng, mịn màng, nhị hoa màu vàng. Có lẽ do mọc ở nơi đỉnh trời quanh năm ngấm gió sương vần vũ, được đón những tia nắng đầu tiên khi mặt trời chiếu xuống, nên mỗi bông hồng trà đều có vẻ đẹp thanh khiết, ít loài hoa nào có được. Anh Nguyên, cán bộ kiểm lâm Vườn cho hay: Ngày thường trà hòa lẫn với các cây rừng khác khó phân biệt, nhưng vào mùa nở hoa thì dễ phát hiện vì hoa to, màu sắc sặc sỡ. Chưa biết hồng trà công dụng ra sao nhưng việc các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước cùng các tín đồ “kỳ hoa dị thảo” vượt ngàn dặm lên đây đủ thấy sức hút của loài hoa này.

Báu vật của rừng già

Không biết đã xuất hiện trên đỉnh núi Đôn từ bao giờ nhưng mãi đến 2004, loài trà này mới được ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn vô tình phát hiện khi thực hiện luận án tiến sĩ về tính đa dạng thực vật tại Vườn. Sau khi nghiên cứu, thẩm định hồng trà là cây đặc hữu của Vườn Yok Đôn, ông Dũng đã công bố loài trà này trong Tuyển tập Báo cáo khoa học, Hội nghị toàn quốc 2005 Nghiên cứu cơ bản trong khoa học sự sống, Trường Đại học Y Hà Nội 3-11-2005, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 2005, tại trang 244-245: “Camellia yokdonensis loài trà hoa đỏ mới tìm thấy ở Việt Nam” - Trần Ninh, Ngô Tiến Dũng. Theo đó hồng trà thuộc cây bụi cao đến 3m. Lá có phiến bầu dục nhọn hai đầu, dày giòn, mép có răng mịn, gân phụ 6-8 cặp. Hoa cô độc, to đẹp ở chót nhánh, màu hồng, cánh hoa đầu lõm, nhị nhiều màu vàng tươi. Quả màu xám trắng, tròn cứng, đầu có mũi nhọn dài, đường kính 4-5cm.Việc phát hiện trà hoa đỏ có ý nghĩa rất lớn cho khoa học và y dược. Bởi trên thế giới từng có trà hoa vàng - loại mọc tự nhiên trong rừng chứa một số hợp chất có thể chiết xuất để điều chế thuốc chữa ung thư nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để tránh sự việc trên lặp lại với trà hoa đỏ, ngay khi phát hiện, các cán bộ khoa học Vườn Quốc gia Yok Đôn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để nhân giống bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Việc làm này tốn nhiều chi phí nên anh Diện đang dự định viết đề tài khoa học về nhân giống hồng trà, hy vọng đề tài sớm được duyệt, có kinh phí phục vụ nghiên cứu” - anh Diện chia sẻ.

Hoa Hồng trà.
Hoa Hồng trà.

Chia tay rừng hồng trà khi nắng chiều vừa tắt, chúng tôi mang theo một ít hoa, lá trà về thưởng thức. Chọn cách pha chế truyền thống để “cảm” hết hương vị đặc trưng của trà: Rửa sạch lá trà, bỏ vào bình đổ nước sôi ngâm 3 phút rồi đổ đi để giảm bớt độ nhựa, ngái và chát rồi mới nấu. Nước trà trong xanh, màu không đậm như các loại trà khác, hương thơm dịu nhẹ, thanh mát. Thật dễ chịu biết bao khi buổi sáng tinh khôi được nhâm nhi chén trà ấm, uống một lần nhớ mãi không quên.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.