Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh khoa học mới

08:23, 02/12/2018

Đồng hồ đeo tay dự báo té ngã ở người già

Đây thực chất là một bộ cảm biến siêu nhạy dưới dạng đồng hồ do Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức) phát minh có khả năng báo trước nguy cơ té ngã theo thời gian thực, thậm chí còn đánh giá những yếu tố tiềm ẩn trước khi xảy ra tai nạn. Cảm biến này được dùng kết hợp với hệ định vị toàn cầu (GPS) thay cho chẩn đoán dựa trên xét nghiệm hoặc tiền sử. Cảm biến có thể đếm bước chân, tư thế khi di chuyển, phối hợp cử động chân tay khi đi hoặc khi đứng yên. Dữ liệu được chuyển đến ứng dụng điện thoại thông minh giúp phân tích, từ đó xác định người dùng có nguy cơ bị té hay không. Nếu rủi ro, nó sẽ đề xuất giải pháp như đưa ra các bài tập giữ thăng bằng, thay đổi thuốc điều trị hoặc khuyến cáo cải thiện môi trường sống, như nền nhà trơn trượt hoặc môi trường thiếu ánh sáng.

Nhựa sinh học chế từ... vỏ khoai tây

Một sinh viên ở Đại học Lund (Thụy Điển) vừa được trao giải thưởng James Dyson Award 2018 trị giá 30.000 USD vì đã sử dụng vỏ khoai tây tạo nên nhựa phân hủy sinh học hay nhựa khoai tây (potato plastic). Loại nhựa này có thể dùng để chế tạo các vật dụng như: dao, nĩa, robot dạng tổ ong làm sạch nước… Vật dụng làm từ loại nhựa này sau khi sử dụng chỉ mất hai tháng là phân hủy hết, không ảnh hưởng đến môi trường như các loại nhựa truyền thống. Đây là sáng chế thiết thực giúp giải quyết nạn ô nhiễm môi trường biển, bởi theo tính toán có khoảng 8,8 triệu tấn nhựa trong đại dương do ngành công nghiệp thực phẩm tạo ra mỗi năm.

Quần robot giúp người thiểu năng di chuyển dễ dàng

Đại học Bristol, Anh (BU) vừa trình làng mẫu quần tích hợp công nghệ robot có tên The Right Trousers (TRT) có thể tăng cường sức mạnh cơ bắp cho nhóm người thiểu năng, giúp họ đi lại dễ dàng thông qua hàng loạt bong bóng được bổ sung vào phần bắp đùi của quần. Khi được bơm đầy không khí, những bong bóng này sẽ hỗ trợ con người đứng lên, ngồi xuống dễ dàng nhờ cơ chế phồng - xẹp. Trong khi đó, các điện cực gắn ở bên hông quần sẽ đảm nhận nhiệm vụ kích thích cơ chân chuyển động. Công nghệ kích thích điện chức năng (FES) được sử dụng, các điện cực được dệt vào quần tại các vị trí quan trọng trên cơ bắp có thể gửi các xung đặc biệt vào cơ thể để truyền tin giữa não và cơ, điều phối hệ thống cơ co bóp. Theo nhóm nghiên cứu, quần robot TRT có thể giúp tăng cường thêm 10% sức mạnh và khả năng di chuyển cho đôi chân của người dùng, rất thuận tiện cho nhóm người thiểu năng, mắc bệnh nan y như đột quỵ.

Thẻ RFID phát hiện nhanh nhiễm bẩn thực phẩm

Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) vừa phát triển thành công một hệ thống không dây mới có tên là thẻ RFIQ có thể phát hiện nhanh ô nhiễm thực phẩm dựa trên những thay đổi nhỏ trong các tín hiệu phát ra từ thẻ. Công nghệ chìa khóa của RFIQ có tên “ghép nối yếu” (weak coupling), trong đó các tín hiệu phát ra bởi RFID sẽ thay đổi dựa trên sản phẩm hiện hữu. Bằng cách “dạy” thẻ thay đổi cho phù hợp với các chất gây ô nhiễm có trong thực phẩm, nó có thể phát hiện nhanh ô nhiễm, truyền cảnh báo đến điện thoại thông minh của người dùng.

Nấm sinh học sản xuất điện năng

Viện Công nghệ Stevens, Mỹ (SIT) vừa phát triển thành công phương pháp mới sản xuất điện năng mang tính kinh tế và thân thiện môi trường. Thực chất đây là một mạng điện cực sử dụng nấm kết hợp vi khuẩn cyanobacteria và một loại vật liệu đặc biệt gọi là graphene để sản sinh ra điện năng. Vi khuẩn kết hợp graphene sau đó được in bằng kỹ thuật 3D để tạo ra tổ hợp điện sinh học dạng nấm. Riêng màng graphene dày chỉ khoảng một nguyên tử carbon, kết hợp đặc tính quang hợp sinh điện của vi khuẩn nên loại nấm nói trên tạo ra một nguồn năng lượng rất sạch, khoảng 65 nanoAmps. Sử dụng nhiều nấm thì lượng điện sinh ra hoàn toàn có thể đủ để thắp sáng bóng đèn LED có công suất đủ dùng.

Cảm biến cầm tay giúp kiểm soát cây trồng.
Cảm biến cầm tay giúp kiểm soát cây trồng.

Cảm biến cầm tay giúp kiểm soát cây trồng chính xác

Một loại cảm biến cầm tay do nhóm chuyên gia ở Đại học Purdue (Anh) sáng chế có thể giúp nông dân kiểm soát cây trồng chính xác. Cảm biến này sẽ cung cấp các dữ liệu thời gian thực về cây trồng, đất, nước, cùng như các vấn đề có liên quan để giúp nông dân hay các nhà quản lý theo dõi cây trồng kịp thời. Cảm biến cầm tay thực chất là một thiết bị chụp ảnh siêu âm có thể quét một cây trồng trong vòng 5 giây, cung cấp thông tin về hàm lượng ẩm, dưỡng chất và chất diệp lục của cây trồng. Cảm biến cũng có thể phát hiện các hiệu ứng của việc phun hóa chất hoặc bệnh tật của cây trồng, sau đó gửi dữ liệu tới phòng thí nghiệm phân tích và đưa ra các giải pháp cụ thể. Dự kiến thiết bị nói trên sẽ được vào ứng dụng trong năm 2019.

Nguyễn Duy

(Dịch từ IDC/HCU/SC/NC/NC/TCU-11/2018)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.