Multimedia Đọc Báo in

Vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất luôn sẵn có trong hệ thống tiêm chủng mở rộng

10:58, 18/03/2015
Trước “cơn sốt” ảo về tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ thời gian qua, mới đây, TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia khẳng định, vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất luôn sẵn có trong hệ thống TCMR.
 
Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân đổ xô tới các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ cho trẻ. Điều này đã khiến cho các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ trở nên quá tải, thiếu cơ sở vật chất và đặc biệt là tình trạng thiếu vắc-xin. Trong khi việc cung ứng vắc-xin này cho các điểm tiêm chủng dịch vụ thời gian qua không được ổn định do một số nhà sản xuất vắc-xin thay đổi địa điểm, dây chuyền sản xuất nhằm cải tiến chất lượng hiện hành, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, một số lô vắc-xin bị hỏng trong quá trình sản xuất dẫn đến khan hiếm vắc-xin nên không thể đáp ứng ngay được nhu cầu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều trẻ không được tiêm, tiêm muộn hơn so với lịch hoặc tiêm không đủ liều vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế gây nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
 
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc xin Sởi - Rubella tại một điểm tiêm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vắc-xin Sởi - Rubella tại một điểm tiêm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Giám sát dịch bệnh của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt, thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9-12 tháng tuổi (trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi - Rubella nhưng lại không được tiêm vắc-xin sởi khi trẻ đến 9 tháng tuổi). Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ là rất nguy hiểm. Chỉ cần chờ đợi 1-2 tháng là trẻ có thể mắc bệnh. Nhận định về việc này, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo: “Các loại vắc-xin trong chương trình TCMR luôn đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt của Tổ chức Y tế Thế giới. Người dân không nên hoang mang hay bức xúc, càng không nên chờ đợi vào vắc-xin dịch vụ khiến con em mình mắc bệnh, rất đáng tiếc. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc chương trình TCMR không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng”.
 
Hiện nay, đã có 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc-xin phòng bệnh trong chương trình TCMR (trong đó cũng có vắc-xin phối hợp Quinvaxem phòng 5 bệnh: bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm não, màng não do Hemophilus influenza typ B) trong khi các mũi tiêm dịch vụ 5 trong 1 hay 6 trong 1 chỉ phòng được 5-6 bệnh. Nghĩa là tiêm dịch vụ hoàn toàn không ngừa được nhiều bệnh hơn các trẻ tiêm chủng đều đặn trong các đợt tiêm chủng của chương trình TCMR. Điều này đồng nghĩa với việc các trẻ tiêm dịch vụ muốn phòng các bệnh nguy hiểm khi tiêm vắc-xin dịch vụ xong vẫn còn phải tiêm vắc-xin miễn phí những loại vắc-xin còn thiếu. Hơn nữa, tiêm vắc-xin dịch vụ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra tai biến như vắc-xin miễn phí. TS. Kohei Toda, một chuyên gia về vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện nay, cả vắc-xin dịch vụ lẫn vắc-xin tiêm chủng miễn phí đều có quy trình kiểm định như nhau và “không có loại vắc-xin nào là an toàn 100%”.  
 
K.O ( nguồn SK&ĐS)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.