Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

08:23, 09/05/2015
Mặc dù chưa phải cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết nhưng từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế vẫn rải rác có bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 40 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết đến điều trị. Hầu hết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân… Bệnh nhân Nguyễn Hữu Súy (53 tuổi, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) nhập viện trong tình trạng sốt cao, vã mồ hôi, mắt lờ đờ, mệt mỏi. Được biết, bệnh nhân làm nghề chăn nuôi ở trang trại, thường xuyên ngủ lại lán trại trong rẫy mà không dùng biện pháp phòng chống muỗi đốt. Khi mới bị sốt, bệnh nhân Súy đã đi khám ở cơ sở y tế tư nhân và được chẩn đoán là viêm họng, được cho truyền nước và uống thuốc nhưng bệnh không đỡ mà càng bị nặng hơn…

Một ca điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.
Một ca điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, năm nay bệnh sốt xuất huyết không tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, mọi người không nên chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút dengue gây ra, hiện không có thuốc đặc trị bệnh. Do đó chỉ có thể phòng sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi và tránh muỗi đốt. Bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp bệnh nặng mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bệnh sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện và theo dõi điều trị kịp thời tại cơ sở y tế.

Dự báo, khi bước vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp nếu không có giải pháp phòng chống quyết liệt. Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế khi dịch bệnh bùng phát, việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan của cộng đồng trong việc phòng chống đang khiến muỗi truyền bệnh lưu hành trên diện rộng. Nhiều người không ngờ tới những tình huống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể sinh sống ngay trong chậu cảnh, bình hoa, lỗ chứa nước nhỏ trong máy lạnh… nên không có ý thức kiểm tra thường xuyên và dọn dẹp những vật dụng đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Bác sĩ CKI Phạm Thị Kim Quế, Trưởng Khoa Nội nhiễm (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) khuyến cáo: “Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy, lăng quăng bằng cách phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường, ngủ trong màn kể cả ban ngày…”.

Trong mùa mưa tới, để phòng bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả, ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để tổ chức kiểm soát tất cả các điểm có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết; phun hóa chất trên diện rộng tại các điểm nguy cơ bùng phát dịch; các bệnh viện sẵn sàng thuốc, trang thiết bị thực hiện điều trị cấp cứu, không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; đẩy mạnh truyền thông giúp người dân ý thức được sự nguy hiểm của bệnh, từ đó chủ động phòng chống  bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả.

 Nguyệt Ánh - Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.