Multimedia Đọc Báo in

Để tránh mắc các căn bệnh truyền nhiễm khi bơi ở bể bơi công cộng

09:00, 06/06/2015
Vào những ngày nắng nóng, các bể bơi trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng đông nghẹt. Bơi lội không chỉ giúp giải nhiệt khi thời tiết oi bức mà còn giúp cải thiện chiều cao, giúp cơ thể có sự dẻo dai săn chắc. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận sẽ dễ mắc các chứng bệnh về da khi bơi ở những hồ bơi công cộng.

Có mặt ở khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) từ rất sớm, chị Nguyễn Hồng Hải (phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) không giấu được sự băn khoăn, lo lắng. Chị Hải cho biết hai ngày nay cậu con trai của chị bị ngứa ngáy khắp người, khó chịu, quấy khóc… Mặc dù chị đã bôi thuốc ngứa cho con nhưng vẫn không thuyên giảm. Càng ngứa, cu cậu càng gãi khiến lớp da cũ chưa kịp lành thì lớp da mới lại bị tổn thương. Xót con, chị Hải quyết định đưa con đi khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận con chị bị nhiễm trùng ngoài da. Lúc này, chị Hải mới nhớ cách đây không lâu chị có cho con đi bơi tại một hồ bơi gần nhà, có lẽ nước hồ bơi không bảo đảm vệ sinh đã khiến cho con chị mắc bệnh về da.

Lý giải về tình trạng nhiều người mắc bệnh về da sau khi bơi, bác sĩ Chuyên khoa I Trần Mậu Phong (Khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Hầu hết các bể bơi công cộng đều quá đông người. Nước ở đây chứa nhiều hóa chất, công tác vệ sinh, xử lý, lọc nước ở một số bể bơi lại thực hiện chưa tốt. Bên cạnh đó, nguồn nước bể bơi còn có thể chứa những chất thải do một số người kém ý thức thải ra như khạc nhổ, nước mũi, đờm dãi, thậm chí là nước tiểu… dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, khiến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao”. Nguy hiểm hơn, trong số những người sử dụng bể bơi có thể có người bị bệnh ngoài da, đây sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước. Đặc biệt, nếu có người bị nấm da thì sẽ rất dễ lây truyền, phát tán bệnh bởi loại nấm có thể bám vào quần áo, vào kính bơi của những người khác tắm chung bể bơi. Bác sĩ Trần Mậu Phong cảnh báo: “Nguồn nước ở các bể bơi công cộng rất dễ bị ô nhiễm, nguy cơ mắc bệnh da rất cao nếu không có ý thức giữ vệ sinh chung. Viêm da tiếp xúc thường gặp ở vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, vùng nách, bẹn với biểu hiện da đỏ, ngứa, hay xuất hiện các mụn nước nhỏ lấm chấm. Lúc này nên tránh gãi vì sẽ làm bội nhiễm khiến viêm da nặng hơn”. Ngoài các bệnh về da, các bệnh đau mắt đỏ, bệnh tay – chân - miệng cũng là bệnh thường gặp tại bể bơi do bệnh rất dễ lây lan, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Để tránh bị mắc nguồn bệnh từ bể bơi nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như đồ bơi, phao bơi, mũ bơi, kính bơi, nút tai, khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc họng. Trước khi xuống hồ, nên tắm gội sạch sẽ và khởi động làm nóng cơ thể để tránh chuột rút, sốc nhiệt. Khi mới bơi xong, nên choàng khăn ngay để tránh gió. Sau đó, tắm kỹ bằng nước sạch, nhất là vùng kín để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ và lau khô giữ ấm. Những người mắc các bệnh truyền nhiễm tốt nhất không nên đi bơi ở bể bơi công cộng để bảo vệ bản thân và tránh lây lan bệnh cho người khác.  Khi không may mắc các bệnh về da, cần đi khám da liễu và mua thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chứ không nên tự ý bôi thuốc để tránh bệnh nặng hơn.

Võ Quỳnh 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.