Multimedia Đọc Báo in

Dễ bị điếc nếu lạm dụng tai nghe

14:08, 16/04/2017

Hằng ngày, rất nhiều người thích sử dụng tai nghe kết nối với điện thoại, máy tính nghe nhạc, xem phim trên đường phố, trong công viên, quán cà phê, tiệm Internet... mà không biết rằng việc sử dụng tai nghe liên tục trong nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến thính lực, thậm chí là bị điếc.

Tại các quán Internet, nhiều thanh thiếu niên có thể ngồi hàng giờ chơi game, đeo tai phôn (headphone) và bật âm thanh hết cỡ để nghe cho đã tai những tiếng động từ game phát ra. Hoặc dễ thấy trên đường hình ảnh các cô cậu học sinh, sinh viên vừa đi xe vừa nghe nhạc, học tiếng Anh bằng những chiếc tai nghe. Về nhà, những chiếc tai nghe này cũng luôn gắn chặt trên tai các cô cậu học trò ngay cả khi ăn, lúc làm bài tập và khi đã lên giường ngủ. Tuy nhiên, đeo tai nghe để tránh làm phiền người khác nhưng sử dụng không đúng cách lại có hại cho chính người sử dụng tai nghe. Như trường hợp em Phạm Hồng Công, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lý Tự Trọng (TP. Buôn Ma Thuột) bị suy giảm thính lực do sử dụng tai nghe quá nhiều. Mẹ của Công kể: “Mỗi khi học bài xong, cháu lại sử dụng tai nghe để nghe nhạc và xem phim. Thời gian gần đây cháu kêu đau tai và nghe không rõ khi cô giáo giảng bài, gia đình đưa cháu đi khám bác sĩ thì được biết cháu bị suy giảm chức năng thính lực".

Theo bác sĩ Võ Nguyễn Hoàng Khôi, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, tai trong là cơ quan chính tiếp nhận âm thanh, còn tai ngoài và tai giữa chủ yếu để dẫn truyền âm thanh. Tai trong bao gồm ốc tai và thần kinh sau ốc tai dẫn đến thân não và vỏ não thính giác. Cấu trúc ốc tai có hệ thống tế bào lông để nhận âm thanh và chuyển tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện, sau đó tín hiệu điện này sẽ truyền vào dây thần kinh thính giác để đi vào thân não và vỏ não thính giác. Đây là bộ phận quan trọng nhất để nhận âm thanh. Tế bào lông rất dễ bị tổn thương nếu chịu tác động bởi âm thanh kéo dài với cường độ quá lớn. Việc thường xuyên nghe nhạc, chơi game... với cường độ âm thanh dồn dập rất dễ bị điếc sớm do tế bào lông bị tổn thương. Chưa kể, việc tiếp nhận âm thanh lớn trong thời gian dài về sau sẽ dẫn đến rối loạn thần kinh như suy nhược, trầm cảm, mất ngủ... do não bị tác động mạnh. Thông thường, tai người có thể tiếp nhận được cường độ âm thanh tối đa 90 decibel (dB). Nếu có tác động âm thanh lớn đột ngột từ 120 - 140 dB thì tai có thể bị điếc ngay lập tức.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn, không nên nghe trong môi trường quá ồn ào vì người nghe phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn. Người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì làm cho viêm tai dễ tái phát. Chỉ nên đeo tai nghe dưới 2 giờ/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe bằng tai nghe khi ngủ. Nếu thấy có biểu hiện ù tai, nghe kém, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tai - mũi - họng với các trang thiết bị đo thính lực để được khám và điều trị.

             Liên Chi


Ý kiến bạn đọc