Multimedia Đọc Báo in

Những "chiến binh" truy tìm Sars-CoV-2

09:17, 15/08/2020
Bất kể ngày đêm, các nhân viên xét nghiệm Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên vẫn miệt mài, cần mẫn trong phòng thí nghiệm để “truy tìm” Sars-CoV-2, chủng vi rút gây nên bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
 
Bên trong căn phòng tách chiết vật liệu di truyền rộng khoảng 10 m2, 5 nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút với quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ chuyên dụng kín từ đầu đến chân đang miệt mài tiến hành chiết xuất RNA của vi rút Sars-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm.
 
Tất cả mọi người đều chăm chú, tỉ mẩn, cẩn trọng trong từng thao tác vì đây là bước quan trọng để tìm ra vi rút Sars-CoV-2. Công việc này có thể thực hiện bằng máy, nhưng do hiện nay Viện chưa có máy tách chiết tự động nên phải thao tác bằng tay. 
 
Sau khi được tách chiết, các mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa qua một ô cửa nhỏ thông sang phòng bên cạnh, nơi có hai nhân viên xét nghiệm khác đang làm việc để đưa vào hệ thống Realtime PCR phân tích. Quá trình phân tích bằng hệ thống Realtime PCR sau 2 giờ sẽ cho biết kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính hay âm tính với Sars-CoV-2. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, phòng xét nghiệm này là nơi xác định kết quả 3 mẫu bệnh phẩm dương tính với Sars-CoV-2 tại Đắk Lắk.
 
Nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tể Tây Nguyên miệt mài làm việc trong phòng xét nghiệm.
Nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tể Tây Nguyên miệt mài làm việc trong phòng xét nghiệm.
 
Anh Nguyễn Hồng Quân, một trong hai nhân viên xét nghiệm trực tiếp phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh tâm sự: “Đối với chúng tôi, đây là công việc thường xuyên nên không có gì áp lực, điều quan trọng là phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2 để đảm bảo an toàn trước các tác nhân lây nhiễm như vi rút Sars-CoV-2 và các loại vi rút nguy hiểm khác. Do đó, khả năng phơi nhiễm ở trong phòng xét nghiệm gần như không có. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, chúng tôi vẫn chủ động xin ở lại cơ quan để gia đình và những người xung quanh yên tâm”.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng Khoa Vi rút, từ khoảng tháng 1-2020, khi dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, khoa đã chuẩn bị tất cả mọi nguồn lực để phòng chống dịch, trong đó, có 13 nhân viên xét nghiệm có trình độ, kinh nghiệm để xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2. Những ngày ít mẫu bệnh phẩm thì chia ra hai đội, mỗi đội làm một ngày. Còn có những ngày tiếp nhận đến 500 mẫu bệnh phẩm thì phải huy động toàn bộ đội ngũ làm việc từ 7 giờ sáng đến tận khuya mới hoàn thành được công việc.
 
“Tất cả nhân viên xét nghiệm ở đây đều nỗ lực hết mình với công việc để cho ra những kết quả xét nghiệm chính xác nhất, bởi nó sẽ góp phần rất lớn trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19”, bác sĩ Vân nhấn mạnh. 
 
Các nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút tiến hành chiết xuất RNA của vi rút Sars-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm.
Các nhân viên xét nghiệm của Khoa Vi rút tiến hành chiết xuất RNA của vi rút Sars-CoV-2 từ các mẫu bệnh phẩm.

 

Được biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên là một trong 4 đơn vị dự phòng đầu tiên của ngành y tế được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định Sars-CoV-2 và là đơn vị có khả năng xét nghiệm khẳng định Sars-CoV-2 của vùng Tây Nguyên.

Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến cho biết: “Hiện nay chúng tôi thực hiện xét nghiệm Sars-CoV-2 theo quy trình của Đức. Mỗi ngày đơn vị có thể chạy khoảng 400 mẫu xét nghiệm, tuy nhiên trong trường hợp dịch bùng phát, Viện có thể nâng công suất tối đa lên 1.200 mẫu/ngày”. 
 
Phát huy vai trò của đơn vị tuyến trên trực tiếp của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, ngoài hoạt động chuyên môn tại đơn vị, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên còn cử cán bộ của Khoa Vi rút đến tận nơi hỗ trợ để các tỉnh trong khu vực có thể chủ động thực hiện xét nghiệm Sars-CoV-2. Đến nay, đã có 3 tỉnh trong khu vực làm được xét nghiệm này là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, trong đó, tỉnh Gia Lai đã đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định.
 
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum để tiến tới được công nhận xét nghiệm khẳng định và hỗ trợ tỉnh Đắk Nông có thể thực hiện xét nghiệm Sars-CoV-2”, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến chia sẻ.
 
Hoàng Kim Ngọc
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.