Multimedia Đọc Báo in

Đi trên thảm vẫn... đau!?

05:35, 17/04/2016
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, trong chương trình xúc tiến đầu tư, các địa phương đã, đang xây dựng và công bố nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư như cắt giảm các thủ tục hành chính, miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuế…
 
Tuy nhiên ở không ít nơi, chủ trương đúng và chính sách xác đáng này đang vấp phải những rào cản. Đáng buồn khi rào cản ấy lại được dựng lên từ chính lực lượng thực thi công vụ.

Tại Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2016, một vị đại biểu đã chua xót khi đưa ra nhận định rằng: “Chúng ta đang tích cực kêu gọi đầu tư nhưng vẫn còn tình trạng kêu gọi đầu tư theo kiểu “trên trải thảm, dưới rải đinh”, khiến cho các nhà đầu tư đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”. Sự nhũng nhiễu, thiếu tận tâm, không làm hết chức trách nhiệm vụ của một số cán bộ công chức vô hình trung đã làm giảm sức hút của các chính sách thu hút đầu tư. Bản thân thủ tục hành chính không có lỗi, sự rườm rà hay đơn giản hóa đều là do con người. Cải cách thủ tục hành chính sẽ trở nên vô  hiệu  hóa, sẽ trở thành hình thức trên danh nghĩa những con số vô cảm nếu trong nội tại của quá trình thực thi, doanh nghiệp vẫn gặp phải những rắc rối, phức tạp, hạch sách, gây khó dễ từ cán bộ công chức đảm trách những nhiệm vụ ấy. Điều đó sẽ khiến doanh nghiệp nản lòng thậm chí e ngại đặt chân lên thảm khi được mời gọi đầu tư. Nhiều doanh nghiệp vẫn ghi điểm cho sự tiếp đón, hướng dẫn, tư vấn niềm nở, ân cần, nhiệt tình của những người thực thi công vụ cho dù thủ tục hành chính có đôi chỗ rườm rà.

Cũng tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, có đại biểu đã đề nghị kế hoạch 5 năm (2016-2020) nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp. Dẫn giải cơ sở cho đề nghị này chính bởi đây là lực lượng quan trọng tạo ra số lượng lớn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội. Với mục tiêu có được ít nhất 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, nếu tính bình quân  một doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp, có thể tạo ra 30 – 40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam. Khi nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu, tập trung sức cho doanh nghiệp là yêu cầu và đòi hỏi hợp thời, hợp thế. Rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm cũng là biện pháp hữu hiệu để trợ sức cho doanh nghiệp. Nói một cách khác, cải cách sâu rễ bền gốc nhất mà doanh nghiệp mong chờ không chỉ là việc sửa đổi, bãi bỏ, cắt giảm bớt các thủ tục mà rất quan trọng đó là tinh thần, thái độ của cán bộ công chức trong nền hành chính công.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.