Multimedia Đọc Báo in

Để được là chính mình…

16:10, 15/07/2016
Phần nghị luận xã hội trong đề thi môn Văn tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 có yêu cầu các thí sinh nêu quan điểm về sự hèn nhát và dũng khí: “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”.
 
Đây là đề thi được giới chuyên môn đánh giá cao và nhận định rằng yêu cầu đề thi đã tạo ra hứng thú trình bày các quan điểm ở nhiều thí sinh. 
 
Đề thi đã gợi ý cho tôi nghĩ đến mô hình “ta là sản phẩm của chính mình” như một nội dung cần suy ngẫm thêm. Mô hình “ta là sản phẩm của chính mình” đã được Giản Tư Trung đưa ra trong cuốn sách “Đúng việc” (Nxb Tri thức, 2015, tr. 70). Theo đó, để được là chính mình thì trước hết cá nhân cần trải qua hành trình gồm: (1) khai phóng bản thân; (2) tìm ra chính mình; (3) làm ra chính mình; (4) sống với chính mình và (5) giữ được chính mình. Hiểu một cách đơn giản, quá trình khai phóng bản thân giúp cá nhân có thói quen tự tra vấn bản thân để hiểu đúng về mình, dẫn dắt bản thân thoát khỏi sự u mê, giáo điều. Tìm ra chính mình tức là xác định được mình muốn trở thành con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao. Và vì vậy, trong hướng nghiệp, lý tưởng nhất là người trẻ được hướng tới việc xác định mình mong muốn mình như thế nào, rồi mới chọn cuộc đời của mình sẽ sống vì mục đích gì, rồi chọn nghề và cuối cùng mới là chọn trường. Tìm ra chính mình đã khó, làm ra chính mình và sống với chính mình còn khó hơn. Với mỗi người, luôn có sự đấu tranh, giằng xé giữa “con người bản năng” và “con người lương tri”. Nói cách khác, có thể có những trường hợp, cá nhân trở nên hèn nhát, không còn giữ được chính mình và có khi cần tới dũng khí để giữ được chính mình. Để “con người lương tri” luôn thắng là điều không dễ nhưng không phải là không làm được. 
 
Như vậy, trước khi bàn về mối ảnh hưởng giữa sự hèn nhát và chất dũng khí nơi cá nhân với việc giữ được chính mình thì có lẽ, điều quan trọng nhất và trước tiên là bàn về việc “tìm ra chính mình”. Được sống đúng với “đạo sống” (lẽ sống, giá trị, lương tâm, phẩm giá…)  dựa trên nền tảng luật pháp và luân lý mà mình đã lựa chọn và xác lập (trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống thường nhật) là điều tốt đẹp mà ai cũng muốn hướng tới.
 
Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc