Multimedia Đọc Báo in

Tạo nên màu sắc truyền thống từ chất liệu tự nhiên

14:22, 03/01/2014
Các dân tộc sinh sống ở cao nguyên, miền núi nước ta từ lâu đời đã biết khai thác những sản vật có sẵn trong thiên nhiên để tạo nên màu sắc truyền thống và trang trí trên các vật dụng, công trình kiến trúc. Thuốc nhuộm là nguyên liệu chính để làm nên màu sắc, hoa văn, họa tiết trên trang phục.

Cây thuốc nhuộm được đồng bào dân tộc thiểu số phát hiện một cách tình cờ. Trong khi phát nương làm rẫy, đi rừng thì các loại mủ cây dính vào vải tạo ra màu sắc loang lổ trên chân tay, chiếc áo, cái váy... hay đào được các củ, rễ cây rừng, hái được quả có màu sắc…từ đó đồng bào mới có ý tưởng tạo ra thuốc nhuộm để nhuộm vải. Trong tâm thức của đồng bào thì đây là phát hiện rất quan trọng, có ý nghĩa như sự trao ân ban phúc của thần linh cho cộng đồng. Có thể nói đây là một trong những “phát minh” của nền kinh tế hái lượm, khai thác tự nhiên do bàn tay người phụ nữ đảm trách, vì thế việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm vải là bí quyết của riêng người phụ nữ. Họ có đủ sự kiên nhẫn, khéo léo để tạo ra các sắc màu, hoa văn độc đáo cho trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Nguyên liệu chính để chiết xuất màu đen là cây chàm, một số tộc người vùng núi Trường Sơn gọi là cây ta râm. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loài cây tạo ra màu chàm quan trọng nhất của nhiều tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á, có tên khoa học là indigofera tinctoria và indigofera anil. Người ta chặt cây ta râm về lấy cả thân lẫn lá đem ngâm với nước trong một cái ché lớn. Để thuốc nhuộm màu phát huy tác dụng, cải thiện sắc thái và nước bóng, đồng bào còn tạo ra một số chất phụ gia làm từ vỏ ốc, hạt bắp, củ nâu. Mỗi ngày người ta nhúng sợi vải vào dung dịch này đến 3 lần và phải qua 3 lần thay nước nhuộm màu mới. Khi cảm thấy màu sợi chưa đậm, chưa sắc nước thì người ta trộn vôi bột của vỏ ốc xoăn vào nước màu rồi lấy cây khuấy đều cho đến khi thuốc nhuộm trở nên đen tuyền mới đưa sợi vải vào nhuộm màu.

Khai thác  cây  ta râm để  chế biến màu xanh chàm  và  màu đen.
Khai thác cây ta râm để chế biến màu xanh chàm và màu đen.

Màu xanh cũng được tạo ra từ nước cây ta râm và vỏ ốc xoăn nhưng dung lượng ngâm ít hơn, chỉ hai lần ngâm - chiếm 1/4 lần so với màu đen (muốn có màu đen phải nhuộm đến 8 lần, màu xanh chỉ mất 2 lần nhuộm). Trong lần nhuộm cuối cùng để cho ra màu đen hay màu xanh, đồng bào thái củ nâu thành lát mỏng, trộn với ít hạt bắp già đã rang cháy thành than cho vào chảo đang sôi. Tiếp đến, người ta cho sợi đã được nhuộm màu vào chảo để luộc. Theo kinh nghiệm dân gian, đây là cách làm để giữ màu không bị phai, làm cho mềm sợi bông, khi dệt các lớp sợi sẽ không dính vào nhau. Người thợ nhuộm tài ba có thể tạo nên một số dạng màu từ đen thẫm, xanh lam sẫm đến màu xám nhẹ, xanh nhạt.

Nhuộm sợi để cho ra màu vàng nghệ
Nhuộm sợi để cho ra màu vàng nghệ

Ngoài màu đen, màu xanh là những gam màu chủ đạo, đồng bào còn tạo ra những loại sợi màu vàng, màu đỏ, hồng, tím... để dệt các đường viền, tạo các dải màu để bố cục, phân cách các dải hoa văn, tạo thành mảng, lớp khác nhau. Nếu ở người Kinh, màu vàng thường được làm từ gỗ cây mít (nhuộm áo cà sa), một số tộc người ở Tây Nguyên như M’nông làm từ củ nghệ thì người Cơ Tu, Tà Ôi chế ra màu này từ cây vàng đắng (vang đằng). Khi lấy cây vàng đắng về, người ta rửa sạch rễ, cạo bớt lớp vỏ ngoài và lõi, chỉ lấy lớp vỏ chính. Vỏ rễ cây được thái nhỏ cho vào bọc vải rồi đưa vào nồi bắc lên bếp đun sôi. Chừng hai tiếng sau, màu vàng của rễ cây được chiết ra, người ta đưa nhúng sợi vào nồi nước đang đun để sợi thấm màu. Khi nào sợi chuyển sang màu vàng, người ta mang phơi ngoài nắng cho ráo nước và căng sợi cho thẳng.

Màu hồng thường được tạo ra từ củ nâu. Loại củ này rất lớn, có lúc nặng đến vài ki-lô-gam. Khi sử dụng, chúng được thái thành lát, bỏ vào nồi nước đang sôi. Với chất liệu này, nếu chỉ nhuộm một lần sẽ có được màu hồng (bhrông). Màu tím (phrông) được tạo ra từ rễ cây sim, theo cách giã nhỏ và cô đặc lại. Ngoài ra, màu tím cũng có thể được tạo ra bằng cách kết hợp các chất liệu tạo màu đỏ và đen. Riêng màu trắng thì không cần phải nhuộm mà để nguyên màu trắng nguyên thủy của sợi bông. Tuy nhiên, do đây là màu đơn sắc, vô sắc với  tông màu chói chang, trắng lóa nên đồng bào thường lấy vỏ ốc nướng chín giã thành bột và nhuộm sợi để chúng không còn màu trắng lóa nữa.

Việc nhuộm màu cho sợi là cả một nghệ thuật. Đồng bào tự sản xuất ra thuốc nhuộm màu theo phương thức truyền thống được tích lũy lâu đời. Với những màu "tự chế" đó, người thợ dệt đã sáng tạo ra nhiều kiểu thức trang trí với muôn vàn hoa văn, họa tiết làm đẹp cho trang phục truyền thống mang sắc thái, phong cách riêng, phản ánh rõ nét thẩm mỹ quan tộc người, làm nên vườn hoa đa sắc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.