Multimedia Đọc Báo in

Thương tiếc anh - Nhạc sĩ An Thuyên

07:51, 12/07/2015
Tôi gặp nhạc sĩ An Thuyên lần đầu tiên là năm Đoàn Ca múa Dak Lak ra dự Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp tại Hà Nội, từ tiếng vang lan tỏa rộng của chương trình được các nhà chuyên  môn gọi là “phong cách trữ tình rực lửa”, như một cách chuyển hướng dân tộc – hiện đại mới mẻ của Đoàn.
 
Cũng như mọi nghệ sĩ tâm huyết, quan tâm đến “sự lúng túng” của nghệ thuật chuyên nghiệp trong thời buổi kinh tế thị trường, anh đã viết hẳn một bài dài phân tích về nội dung chương trình của Đoàn và có đưa cho tôi đọc. Ngày ấy anh đang học đại học chuyên ngành sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội.

Là một người nhạc sĩ tài năng, An Thuyên viết nhiều thể loại khí nhạc, nhạc kịch, hợp xướng, nhưng đặc biệt nổi trội với rất nhiều ca khúc được đông đảo bạn yêu nhạc ưa thích (“Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Ca dao em và tôi”, “Huế thương”, “Một mình”…). Âm nhạc của anh mang âm hưởng dân gian của nhiều miền quê Việt, từ đường nét dân ca Kinh Bắc ngọt ngào trong “Khi xe tăng qua miền quan họ”; đến chất liệu dân ca Tày, Thái tung tẩy trong ca khúc “Em chọn lối này”, “Chín bậc tình yêu ”; hoặc sự mênh mang của dân ca Ba Na, J’rai bay bổng trong nhạc kịch “Đất nước đứng lên”. Nhưng đậm đà nhất vẫn là từ chất liệu âm nhạc dân gian miền Trung quê anh. Những ca khúc mà cất tiếng hát lên cứ nghẹn thắt cả tâm hồn, đau đáu về một miền quê xứ Nghệ tuy xa ngái nhưng vẫn hiển hiện mồn một trong tâm trí, như là “xuống đò một mình tôi, với dòng sông tuổi thơ… điệu buồn và điệu thương, sao xé lòng đến thế…” (“Neo đậu bến quê”). Có lần tôi hỏi: “Anh tìm đâu những lời ca đặc biệt thế, như “cắt nửa vầng trăng làm con đò nhỏ…” ấy”. Anh bảo: “Mình chẳng tài giỏi gì đâu. Lấy trộm từ dân ca “quê choa” cả thôi”. Rồi anh kể tôi nghe quá trình làm cán bộ văn hóa ở quê, đã được theo các nhà nghiên cứu đi sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh, để sau này mới biết mình may mắn làm sao khi có được vốn sống ấy trong tâm hồn ngay từ buổi mới chập chững vào nghề.

Nhạc sĩ An Thuyên (Nguồn: Vnexpress)
Nhạc sĩ An Thuyên (Nguồn: Vnexpress)

Tôi kể với anh rằng một lần đến Huế nghe có người ca cẩm: “Ông ấy viết chi lạ rứa. Răng để con gái Huế mần chi mà cầm nón ra đứng bờ sông…”. Anh chỉ cười rất hiền “Mình thì thấy hình ảnh đó quá dễ thương”. Anh là vậy, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, không bao giờ lớn giọng theo kiểu “đao to búa lớn”; kể cả những lúc có điều gì không bằng lòng, cũng từ tốn mà phân tích. Cùng ở trong Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam với anh 2 khóa (V và VI), tôi đã được chứng kiến cách ứng xử rất điềm đạm ấy của anh. Kể cả lần xét kết nạp người thầy giáo dạy nhạc cho anh từ thuở ấu thơ ở quê nhà, lúc làm đơn đã ngoài 70 tuổi, không đúng với quy chế kết nạp của Hội - tôi là người đầu tiên không nhất trí khi anh ngỏ lời “xin”. Việc không thành, tôi tưởng anh sẽ giận hay để bụng, nhưng vẫn thấy anh cư xử như không hề có chuyện gì xảy ra. Anh tin cậy chân thành đến độ ủy quyền cho tôi tuyển sinh về chuyên môn ở vùng Tây Nguyên cho Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (khi đó anh là Hiệu trưởng), chỉ cần có ngành Văn hóa xác nhận sau khi tốt nghiệp sẽ quay về địa phương công tác. Cũng chính anh chủ động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lớp Đại học viết văn dân tộc thiểu số, lại cho phép tôi cử tuyển 2 sinh viên Êđê theo học.

Anh sống rất có tâm huyết và có trách nhiệm với bất cứ công việc gì được giao. Là Hiệu trưởng một trường nghệ thuật của Quân đội, chính anh là người đề xuất và thực hiện chương trình tuyển sinh các khóa dân tộc thiểu số và miền núi; để từ đó có hàng trăm cán bộ dân tộc thiểu số hiện đang công tác trong ngành văn hóa - nghệ thuật ở cả vùng núi hai miền Bắc - Nam. Lúc đầu Trường còn đề xuất học sinh tự mang theo nhạc cụ dân tộc, nhưng khi hiểu ra các em đều nghèo, anh quyết định bỏ ngay quy định ấy. Hai bạn vong niên của tôi là NSƯT Y San Aleo và nhạc sĩ Y Phôn Ksor đều vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà không thể theo học quá bậc trung cấp. Anh tạo mọi điều kiện hỗ trợ cả kinh tế lẫn động viên tinh thần (thậm chí cho theo thầy đi dàn dựng, sáng tác để có thêm thu nhập), để hai bạn cùng đạt được học vị cử nhân sáng tác múa và nhạc.

Là một trong những người nhạc sĩ tham gia sáng lập Chương trình “Bài hát Việt”, lên sóng vài số, gặp rất nhiều phản ứng từ cả từ phía những nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn công chúng và ngay cả trong những cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng có ý kiến cần cân nhắc. Anh tâm sự: “Phải có sân chơi cho lớp trẻ chứ. Vài mùa nữa mà xem, chắc chắn không thể nói là kém chất lượng?”. Niềm tin của anh sau 10 năm đã được khẳng định. Một thế hệ sáng tác trẻ năng động, mới lạ, có nghề, đã vững vàng tiếp bước cha anh trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp từ “Bài hát Việt”.

Mùa hè này, lẽ ra là niềm vui của 5 năm một lần gặp gỡ các bạn đồng nghiệp trong Đại hội IX của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lại phải thương tiếc tiễn đưa những cây đại thụ như: Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ An Thuyên. Tổn thất này với những người làm âm nhạc lớn quá! Mất mát này sẽ còn hằn sâu trong trái tim đã vốn rất nhạy cảm của chúng tôi - những người nghệ sĩ. Chỉ tin rằng âm nhạc của các nhạc sĩ tài năng ấy còn xanh mãi theo thời gian.

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc