Multimedia Đọc Báo in

Làm du lịch phải biết chia sẻ với cộng đồng

14:48, 13/11/2016

Đến giờ, về buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk) để tìm hiểu nghề làm gốm truyền thống của người M’nông Rlăm, nếu gặp Y Nê Buôn Krông- nguyên Chủ tịch UBND xã Yang Tao thì ông luôn phàn nàn: Thời gian qua đã có không biết bao nhiêu đoàn từ trên tỉnh, trên huyện về làm việc với người dân và chính quyền địa phương nhằm phục hồi làng nghề truyền thống độc đáo này, qua đó kết hợp với ngành du lịch đưa vào khai thác, phục vụ du khách tham quan, từng bước góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Vậy mà đến nay, ý tưởng đó vẫn nằm trên… giấy và nhiều nghệ nhân của làng nghề trên lần lượt chia tay với gốm M’nông Rlăm nức tiếng một thời. Họ không làm gốm nữa vì không ai mua, sức sống của làng nghề này dần lụi tắt, kéo theo sinh kế của cộng đồng trở nên bấp bênh.

Y Nê cho hay, vậy mà thi thoảng vẫn thấy một vài gia đình đứng ra làm gốm. Nhớ nghề ư, hay có mối nào từ trên phố xuống đặt hàng? Không phải, họ làm gốm để phục vụ cho khách du lịch đến chụp ảnh, quay phim với món tiền rất hời được một hãng lữ hành nào đó liên hệ và “đạo diễn” trước. Dĩ nhiên, du khách chụp ảnh, quay phim và hỏi han chán chê rồi bỏ đi… Các nghệ nhân làm gốm, kiêm diễn viên vào vai theo “kịch bản” đã thỏa thuận xong, lại lúi húi thu vén đồ đạc cất đi, chờ “suất diễn” khác. Y Nê bảo: “Làm du lịch kiểu ấy là không nên!”.

Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là tạo sinh kế cho người dân ổn định và bền vững. Muốn vậy phải đầu tư, quy hoạch và xây dựng bài bản trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ lợi ích hài hòa giữa hai bên - người dân làng nghề và doanh nghiệp. Đằng này, nói như nghệ nhân H’Piết: “Ngoài 200 nghìn đồng/người cho một “buổi diễn”, nài nỉ họ mua cho một món đồ làm kỷ niệm còn khó hơn nặn gốm, nói gì đến chuyện tìm mối tiêu thụ, rồi trợ giá giúp bà con bán hàng như người ta đã… hứa”. Ai hứa ? Y Nê bức xúc: Thì những người kinh doanh du lịch đưa đón khách vào đây chứ ai nữa. Thậm chí họ còn vẽ ra tương lai và con đường phát triển của làng gốm Dơng Bắk rằng - sẽ đưa mẫu mã, kỹ thuật chế tác tiên tiến vào đây giúp bà con nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm khi tham gia mua bán, cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên, người ta nói vậy chỉ nhằm mục đích liên kết nghệ nhân làm gốm trong vùng tham gia tạo nên sản phẩm du lịch để kiếm lợi, chứ không quan tâm đến chủ nhân vốn văn hóa làm nên sản phẩm du lịch ấy.

 

“Điều mà người M’nông ở buôn Dơng Bắk cần là một sinh kế đàng hoàng và bền vững. Gốm làm ra phải tiêu thụ được bằng mọi cách, trong đó ngành du lịch phải là một trong những đầu mối thường xuyên và quan trọng giúp làng nghề này sống lại”

 

 
Ông  Y Nê Buôn Krông , làng gốm Dơng Bắk

Tình trạng kinh doanh du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì” trên không chỉ xảy ra với làng gốm Yang Tao-huyện Lắk, mà nhiều làng nghề khác như dệt thổ cẩm buôn Akô Dhông, Kô Tam, Alê B, Dhă Prong… (TP. Buôn Ma Thuột) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nghệ nhân làng nghề đóng vai diễn viên cho kịch bản được các doanh nghiệp làm du lịch dàn dựng trước nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh doanh của mình. Xem ra mối liên kết, hợp tác lỏng lẻo ấy đã và đang diễn ra trong hoạt động du lịch cần phải được các cấp, ngành và nhất là Hiệp hội Du lịch ở địa phương quan tâm, xử lý đúng mức để hướng đến sự hài hòa trong việc chia sẻ lợi ích, sự bền vững trong phát triển.

Giá trị văn hóa là tài nguyên của du lịch và ngược lại du lịch góp phần giới thiệu, quảng bá, đồng thời phải nuôi giữ, bảo tồn và phát huy vốn tài nguyên ấy- Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch văn hóa-sinh thái-cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ và lưu tâm đến vấn đề trên.  

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.