Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn doanh nghiệp:

Để thu hút mạnh hơn các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục

09:15, 20/07/2013

Trong những năm qua, chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) giáo dục đã phát huy được nguồn lực dồi dào trong xã hội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, gần đây nhiều DN có dự án trường học - dạy nghề trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột rất lo lắng về Quyết định số 28, ngày 2-8-2012 của UBND tỉnh quy định về chính sách ưu đãi sử dụng đất đối với các dự án XHH giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương khuyến khích XHH, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về chính sách ưu đãi đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Chẳng hạn, Nghị định 73, ngày 19-8-1999 quy định: “Nhà nước giao đất ổn định lâu dài và không thu tiền sử dụng đất đối với đất được giao để xây dựng bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở dạy nghề, ký túc xá…”; Nghị định 53, ngày 25-5-2006 quy định, cơ sở ngoài công lập được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất xây dựng công trình trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất miễn thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất và miễn tiền thuê đất. Tiếp đó, ngày 30-5-2008 Chính phủ ban hành Nghị định 69/2008/NĐ-CP thay thế các văn bản trước về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Điều 6, Nghị định này nêu: Cơ sở thực hiện XHH được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo các hình thức: Giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất.

Riêng đối với đất đô thị, đất ở giao UBND cấp tỉnh căn cứ thực tế địa phương quy định chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có thu tiền thuê đất, đồng thời quy định chế độ miễn, giảm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Sau khi Nghị định này được ban hành, UBND tỉnh không có quy định cụ thể về việc thu tiền sử dụng đất trên địa bàn, nhiều nhà đầu tư cứ nghĩ là được miễn tiền sử dụng đất hoặc nếu có thu thì cũng ở mức thấp nên mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Vậy nên, khi Quyết định 28 của UBND tỉnh được ban hành, quy định thu 50% tiền sử dụng, thuê đất đối với các dự án XHH thực hiện trên địa bàn các phường của TP. Buôn Ma Thuột làm cho các cơ sở XHH rơi vào thế bị động, mất khả năng cân đối nguồn vốn và thu chi tài chính để tiếp tục triển khai dự án. Trường hợp của Trường Trung cấp Kinh tế-Công nghệ Tây Nguyên (nay là Trường Trung cấp Tây Nguyên) là một ví dụ. Bà Trần Thị Thiết, Phó Hiệu trưởng cho biết, sau hàng loạt văn bản quy định về chính sách ưu đãi đối với các dự án XHH do Trung ương ban hành, UBND tỉnh không có quy định gì thêm, nhà trường cứ nghĩ là được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất nên đã tập trung mọi nguồn vốn, mạnh dạn đầu tư thực hiện dự án; miễn giảm học phí đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số. Theo tính toán sơ bộ, sau gần 6 năm đi vào hoạt động, nhà trường đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.  Việc UBND tỉnh ban hành quy định thu 50% tiền sử dụng hoặc thuê đất khiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Nếu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính này, chắc chắn trường sẽ phải tăng học phí đối với học sinh, sinh viên. Và như vậy, sẽ tạo thêm gánh nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc học tập của các em, vì khoảng 70% học sinh của trường cư trú tại các huyện, kinh tế gia đình chủ yếu ở mức trung bình. Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn không kém nếu phải nộp tiền thuê đất. Ông Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kết quả kinh doanh sau khi trừ chi phí hoạt động của các năm 2010, 2011, 2012 lần lượt là: gần 298 triệu đồng, hơn 550 triệu đồng và hơn 990 triệu đồng, trong khi đó nợ các khoản vay từ năm 2012 trở về trước còn phải trả hơn 1,8 tỷ đồng. Trong năm học 2013-2014 sắp tới, nhà trường buộc phải mượn vốn của phụ huynh hơn  1,1 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp công trình phụ trợ đã xuống cấp và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học nên rất khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục phải đầu tư vốn rất lớn.  (Trong ảnh: Khu thực hành của Trường Trung cấp Tây Nguyên đang được xây dựng).
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục phải đầu tư vốn rất lớn. (Trong ảnh: Khu thực hành của Trường Trung cấp Tây Nguyên đang được xây dựng).

Lãnh đạo hầu hết các cơ sở giáo dục XHH cho rằng, đặc thù của lĩnh vực giáo dục là phải có mặt bằng lớn, không dễ thu lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, nếu phải thực hiện nộp 50% tiền thuê đất theo quy định của UBND tỉnh thì sẽ không gánh nổi. Để giúp các cơ sở giáo dục XHH có điều kiện đầu tư mọi mặt, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học, nên chăng UBND tỉnh xem xét lại mức thu cho phù hợp và có căn cứ vào thực tiễn hoạt động, đóng góp của từng cơ sở.

Lê Ngọc - Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc