Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu pháp luật tìm hiểu về Luật Xuất bản

15:47, 02/11/2013

1. Tôi nghe nói Luật Xuất bản mới được Quốc hội ban hành. Vậy xin cho biết đôi nét về Luật này?

Luật Xuất bản được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20-11-2012. Luật gồm VI Chương, 54 Điều, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2013 và thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12.

2. Theo quy định của Luật, hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực nào?

Hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

3. Vậy xuất bản, in, phát hành, xuất bản phẩm, xuất bản phẩm điện tử, lưu chiểu là gì?

Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.

In là việc sử dụng thiết bị in để tạo ra xuất bản phẩm từ bản mẫu.

Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng.

Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức: sách in; sách chữ nổi; tranh, ảnh, bản đồ, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; các loại lịch; bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.

Xuất bản phẩm điện tử là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu và sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử.

Lưu chiểu là việc nộp xuất bản phẩm để lưu giữ, đối chiếu, kiểm tra, thẩm định.

4. Nhà nước quản lý hoạt động xuất bản thông qua những hoạt động nào?

Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản bao gồm những nội dung sau:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động xuất bản; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản và bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản;

- Tổ chức đọc, kiểm tra, thẩm định xuất bản phẩm lưu chiểu;

- Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động xuất bản;

- Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản; đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hoạt động xuất bản;

- Hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản;

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản;

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động xuất bản; tuyển chọn và trao giải thưởng đối với xuất bản phẩm có giá trị cao.

5. Những nội dung và hành vi nào bị cấm trong hoạt động xuất bản

Những nội dung bị cấm trong hoạt động xuất bản bao gồm:

- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

- Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

- Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản bao gồm:

- Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;

- Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản;

- In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;

- Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;

- Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;

- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.