Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mãi những năm tháng "ở rừng"…

09:34, 27/04/2015

Trong câu chuyện với chúng tôi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Chí Quyết gọi những ngày sống, lao động và chiến đấu ở vùng căn cứ H9 (huyện Krông Bông bây giờ) là những năm tháng “ở rừng”. Ông muốn gọi thế không chỉ để cảm ơn rừng ngày ấy đã chở che bộ đội, bao vây quân thù mà còn bởi rất nhiều những ký ức đẹp không thể phai nhạt về nghĩa tình đồng chí đồng đội, tình quân dân thắm thiết và thiêng liêng…

Đói cơm lạt muối vẫn đoàn kết một lòng

Đã rất nhiều năm nay cứ vào dịp 30-4 hằng năm, ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông Quyết ở cuối đường Lê Minh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) lại rộn tiếng cười, tiếng hát của những người đồng chí, đồng đội – những “anh em trong rừng” như cách gọi của ông Quyết. Trong số những đồng đội ấy có người khá giả, thành đạt; cũng có những người còn nghèo khổ, vất vả bươn chải với cuộc sống. Nhưng khi gặp lại nhau, dù đã ở cái tuổi thành ông, thành bà, họ vẫn vui tươi, hồn nhiên, chất phác như ngày còn trẻ: anh em tự biên tự diễn, tự nấu nướng, ăn xong rồi thì lấy nắp xoong nắp nồi ra gõ và hát vang như “hồi còn ở trong rừng”...

Từ năm 1965, ông Lê Chí Quyết là Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Kinh tài của tỉnh. Tỉnh ủy và các cơ quan của tỉnh tập trung chủ yếu ở vùng căn cứ phía Bắc Cư Jú – Dleiya (thuộc Krông Năng) và căn cứ phía Nam H9 (thuộc huyện Krông Bông). Để phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, công tác hậu cần, lo lương thực cho quân và dân là rất quan trọng; đây cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất bởi sự phong tỏa, kiểm soát gắt gao của địch. Ta phải huy động từ nhiều nguồn, những vật dụng như là văn phòng phẩm, pin, thuốc chữa bệnh, vải may quần áo… phải mua từ thị xã Buôn Ma Thuột, các thị trấn Phước An, Buôn Hồ, Buôn Trấp… Hoặc ra đường 14, đường 26 chặn xe đi qua để mua hàng. Khó khăn nhất là muối, muối mua từ Phú Yên hoặc tiếp tế từ ngoài Bắc vào không đủ, ta phải mở đường từ căn cứ Krông Bông sang cửa khẩu Krache (Campuchia) mua muối rồi huy động dân công gùi muối về. Có được gùi muối, nhiều anh em đã phải đổ cả máu trước những trận càn, chặn đường tiếp tế lương thực của địch. Cũng bởi vậy, từng hạt muối được nâng niu, quý trọng và tiết kiệm tối đa.

Ông Lê Chí Quyết hồi tưởng lại những năm tháng sống, chiến đấu ở vùng  căn cứ H9.
Ông Lê Chí Quyết hồi tưởng lại những năm tháng sống, chiến đấu ở vùng căn cứ H9.

Lương thực thì tự túc tại chỗ, vừa trồng trọt ngô, khoai sắn, đậu đỗ, các loại rau vừa khai thác các sản phẩm từ rừng: đào củ rừng, trái rừng, củ rừng, các loại rau rừng dọc suối; bắn các loại thú rừng lớn, lóc từng tảng thịt to, phơi khô rồi lùi dưới tro nóng… Những khi hành quân, chiến đấu, khi thấy quả rừng, rau rừng có thể ăn được là anh em cán bộ, chiến sĩ tranh thủ hái bỏ vào túi áo, túi quần để đến khi trở về căn cứ lại có cái làm lương thực cho chính mình và mọi người. “Hồn nhiên và lạc quan thế đấy, đi đánh nhau cũng biết tận dụng để kiếm thực phẩm!”, ông Quyết cười. Ban Kinh tài của tỉnh có một tiểu ban sản xuất trong đó phân công những đồng chí có trình độ chỉ đạo, tổ chức về trồng trọt và thủy lợi. Căn cứ kháng chiến cũng trở thành địa bàn sản xuất để có thể tự cung tự cấp lương thực. Việc canh tác được thực hiện ở những khu vực có địa hình bằng phẳng trong rừng nhưng cũng phải bảo đảm bí mật với cây trồng chủ yếu là ngô, đậu đỗ và sắn. Không ít lần, những ruộng sắn chuẩn bị được thu hoạch thì bị địch rải chất độc hoá học hòng phá hoại, chặn nguồn lương thực của ta. Ông Quyết nhớ lại: “Máy bay địch vừa đi, cán bộ, chiến sĩ ta phải ào ra nhanh chóng chặt hết phần thân và lá cây sắn để chất độc không kịp ngấm xuống củ. Khi làm xong, chất độc hóa học mà địch vừa rải xuống bám ướt đẫm đầu tóc, quần áo. Cũng có khi, biết là những củ sắn ấy có thể nhiễm chất độc hóa học nhưng vẫn phải ăn”. Việc trồng và thu hoạch ngô cũng quy định rất nghiêm khắc. Ngô thu hoạch phải đợi thật già, cấm ăn ngô non. Món ăn phổ biến với ngô ngày ấy là ngô rang vì rất tiện lợi, có thể bỏ túi mang theo khi hành quân, chiến đấu. Lương thực, thực phẩm khác thì có thể tự sản xuất, tự cung tự cấp nhưng khó khăn, khan hiếm nhất ngày ấy là muối ăn.

Chịu đói cơm lạt muối, vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng, theo ông Quyết ngày ấy chính là vì tất cả đều cùng chung một chí hướng: đánh giặc. Tinh thần đấu tranh được đẩy lên cao nhất để có những trận đánh dù thất bại nhưng vẫn nở nụ cười tươi, lạc quan: thất bại là mẹ thành công. Tình đồng đội đồng chí được gắn kết không chỉ trong bom đạn mà cả trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, không có ranh giới giữa cấp trên với cấp dưới. Là một vị lãnh đạo tỉnh có dịp được tiêu chuẩn 2 lon gạo nhưng ông Lê Chí Quyết cũng đưa cho nhà bếp trộn chung nấu với củ sắn để anh em cùng ăn cho có hơi cơm hơi gạo; hộp sữa được cấp phát cũng sẵn sàng nhường lại cho thương binh. Những khi đói khát, củ rừng bẻ đôi, hạt muối chia nửa. Nhớ về nhau, họ nhớ về những điều bình dị ấy và cũng chính những điều bình dị ấy đã khiến họ nhớ về nhau. Ông Quyết gọi đó là tình đồng chí thiêng liêng! 

Son sắt tấm lòng nhân dân với cách mạng

Trong chuyến về thăm buôn Dak Tuor – trung tâm khu căn cứ của Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ mới đây giữa những ngày tháng 4 lịch sử, ông Lê Chí Quyết đã gặp lại những người dân năm xưa cùng đồng cam cộng khổ chống giặc.

Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, những chàng dân quân M’nông trai tráng năm nào nay đã là những ông già ở tuổi “cổ lai hy” Y Viêng, Y Ngok vẫn khẳng khái: “Chúng tôi cả đời theo Đảng, theo cách mạng”. Đồng bào buôn Dak Tuor ngồi vây quanh nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy nghe kể về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Y Ơn như nuốt từng lời; bà mẹ và vợ con của liệt sĩ Y Ơn – nay vẫn sống trong buôn – nắm tay ông Lê Chí Quyết khẳng định: “Người dân buôn Dak Tuor vẫn làm theo lời Y Ơn nói trước lúc hy sinh: chỉ có một con đường theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng”...

Ông Lê Chí Quyết (người đầu tiên hàng đầu bên phải)  trong lần được gặp Bác Hồ năm 1966.
Ông Lê Chí Quyết (người đầu tiên hàng đầu bên phải) trong lần được gặp Bác Hồ năm 1966.

Quả thật, như ông Lê Chí Quyết nhiều lần khẳng định, trong những năm kháng chiến gian khổ ấy, một trong những yếu tố làm nên sức mạnh chiến thắng của ta chính là người dân một lòng son sắt theo cách mạng. Ông Quyết cảm động nhớ lại: “Người dân ngày ấy cũng rất khổ, đói cơm lạt muối thường xuyên, phải đốt cây lồ ô, tranh non thành tre cho có vị mặn để ăn thay muối. Đói khổ như thế nhưng tinh thần thì tuyệt vời, luôn hết lòng vì cách mạng. Họ không đóng góp vật chất, của cải cho cách mạng nhưng sẵn sàng đóng góp nhân lực, hưởng ứng mọi lời kêu gọi của Đảng, của Bác”. Ở các buôn làng vùng căn cứ ngày ấy, lớp trai tráng, khỏe mạnh thì đi dân công hỏa tuyến, bộ đội đi đâu là dân công hỏa tuyến theo đến đó, sẵn sàng trèo đèo lội suối gùi đạn dược, cáng thương binh… Lớp trung niên, phụ nữ thì trở thành dân công thường trực, đi gùi gạo muối, lương thực; còn lại lớp thanh thiếu niên lớn lên, đủ tuổi nhận thức là đều cầm súng vào du kích đánh giặc, bảo vệ các cơ quan của tỉnh trong vùng căn cứ. Tình quân – dân khắng khít, bộ đội nhường cơm sẻ áo cho dân, người dân sẵn sàng giúp đỡ bộ đội khi cần. “Voi là tài sản quý giá của đồng bào M’nông nhưng họ cũng sẵn sàng hiến cho cách mạng. Vì thế, trong kháng chiến chống Mỹ, ta có hẳn một đội voi thồ, cùng với đội ngựa thồ, xe đạp thồ, xe cơ giới trở thành lực lượng vận chuyển đắc lực cho cách mạng”, ông Quyết kể.

Hàng chục năm kháng chiến, gian khổ như thế nhưng không có người dân nào ở vùng căn cứ ngày ấy đi theo địch mà vẫn kiên trung với cách mạng, cùng tham gia chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Hàng chục năm “ở rừng”, ông Lê Chí Quyết cũng đã coi vùng căn cứ H9 ngày ấy như là quê hương của mình mà mỗi chuyến trở về, gặp lại những người dân sắt son nơi ấy, ông đều cảm động, rưng rưng như gặp lại chính những người anh em ruột thịt của mình…

Đàm Thuần – Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc