Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo phiên chợ trâu Cán Cấu

10:17, 24/09/2017

Trong hành trình lên Tây Bắc khám phá vẻ đẹp và văn hóa vùng cao, bạn không nên bỏ qua cơ hội đến “sàn giao dịch” trâu của đồng bào nơi đây. Chợ trâu Cán Cấu (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) từ lâu là phiên chợ trâu lớn nhất miền Tây Bắc.

Chợ trâu Cán Cấu nằm ở vị trí cạnh phiên chợ Cán Cấu thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai. Chợ họp vào sáng thứ bảy hằng tuần, là nơi đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy quanh vùng mua bán những con trâu tốt. Chợ trâu đã hình thành từ nhiều năm nay, gắn với đời sống và tập quán sản xuất nông nghiệp của đồng bào nơi đây.

Do đặc thù của “mặt hàng” nên chợ trâu Cán Cấu được bố trí ở một bãi đất riêng rộng rãi dưới triền núi. Cứ thứ bảy hằng tuần, khi màn sương còn dày đặc trên lối đi, mặt trời lấp ló nơi đầu non, người ta lại nghe tiếng lọc cọc của chân trâu, tiếng kêu của những chú nghé và tiếng rống của những con trâu mộng trên đường đến phiên chợ - âm thanh đặc trưng vốn đã trở nên quen thuộc ở vùng đất này. Đồng bào từ các bản xa tấp nập dắt những con trâu với cặp sừng to, béo khỏe xuống chợ để bán. Để có những con trâu đẹp, tốt mang xuống chợ, đồng bào vùng cao Cán Cấu phải chăm sóc trâu rất chu đáo như cho ăn uống đầy đủ để trâu béo khỏe, tắm cho trâu để lông mịn và da trâu được sạch.

Tấp nập phiên chợ trâu Cán Cấu.
Tấp nập phiên chợ trâu Cán Cấu.

“Mặt hàng” trong phiên chợ toàn là những con trâu mộng đứng cạnh nhau một cách tự do chứ không theo hàng lối gì. Để bày bán trâu, chủ trâu phải giữ chạc trâu một chỗ để trâu khỏi chạy và húc nhau. Có người cẩn thận, dùng cả cọc tre để buộc trâu cố định một chỗ. Cũng có lúc người giữ để sổng trâu, nhiều con trâu đực lao vào húc nhau khiến một góc chợ trở nên toán loạn.

Khâu xem và chọn trâu là quan trọng nhất. Với quan niệm truyền thống “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, để chọn mua được con trâu như mong muốn, bằng kinh nghiệm vốn có của mình, người mua trâu phải xem kỹ nhiều yếu tố của trâu gồm các bộ phận như sừng, răng, chân, đuôi, cổ, bụng, khoáy, tai… và tổng thể hình dáng bề ngoài của mỗi con trâu. Con trâu nào không đáp ứng đủ các tiêu chí hoặc chỉ khiếm khuyết một chi tiết sẽ bị loại. Vì vậy, việc xem trâu và ngã giá có khi diễn ra cả buổi hoặc nhiều người xem cả phiên chợ cũng không chọn được con trâu ưng ý. Nếu trâu không bán được chủ trâu lại dắt về nhà chăn thả rồi phiên chợ tuần sau lại mang trâu xuống chợ.

Nét độc đáo của chợ trâu Cán Cấu còn ở lúc ngã giá. Ban đầu, chủ trâu để cho khách hàng xem trâu một cách tự do sau đó mới đưa ra giá ban đầu của con trâu. Sau khi biết giá, khách mua không bao giờ trả tiền ngay mà thường sẽ trả giá bằng cách hạ xuống nhiều mức, tuy nhiên không hạ quá cách xa mức mà chủ trâu đưa ra. Ở vùng cao, có lẽ đây là phiên chợ duy nhất có sự mặc cả, cò kè. Đi cùng với khách để trả giá bao giờ cũng có một nhóm người để bình luận, giúp người mua trả được giá hợp lí và mua được con trâu như mong muốn.

Sau khi thấy giá hợp lí, chủ trâu quyết định bán và việc thanh toán tiền được diễn ra ngay tại chợ. Người mua trâu hoan hỉ dắt trâu về. Phiên chợ trâu Cán Cấu không chỉ tấp nập mà còn là “sàn giao dịch” khá sôi động. Tiếng kêu của vài trăm con trâu xen lẫn tiếng lao xao mua bán làm cho không gian núi rừng trở nên sống động hẳn lên.

Với quan niệm, con trâu tốt sẽ giúp làm ra nhiều của cải vật chất nên phiên chợ trâu Cán Cấu là phiên chợ đặc biệt quan trọng của đồng bào vùng cao Tây Bắc, ngày càng được phát triển rộng và đông. Đến thăm phiên chợ trâu Cán Cấu, tìm hiểu thêm một nét sinh hoạt đặc sắc trong đời sống của người dân Tây Bắc sẽ là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến thăm vùng đất này.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.