Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở nghiệp múa rối

07:11, 14/04/2018

Bằng tình yêu nghề, các thành viên Đội Nghệ thuật múa rối (Trung tâm Văn hóa tỉnh) vẫn ngày ngày miệt mài sáng tạo, luyện tập, lưu diễn để đem tiếng cười đến với khán giả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn  trong tỉnh...

Thăng trầm múa rối

Thành lập từ năm 1990, trải qua nhiều lần thay đổi nhân sự, đến nay Đội Nghệ thuật múa rối có 10 thành viên, trong đó được đào tạo chuyên môn về múa rối chỉ có 3 người. Có lẽ ít ai biết được, tiền thân của Đội Nghệ thuật múa rối lại có xuất xứ rất chuyên nghiệp: Đoàn Nghệ thuật múa rối và ca kịch tổng hợp Đắk Lắk và trước nữa là Đoàn Nghệ thuật múa rối tỉnh Đắk Lắk.

Chỉ cần ngẫm kỹ lại các tên gọi qua từng thời kỳ của nghề múa rối đã thấy được sự “teo tóp” dần của loại hình nghệ thuật này. Không rõ trong các thời khắc chuyển từ chuyên nghiệp chuyển sang không chuyên, những nghệ sĩ, diễn viên múa rối có cảm xúc gì. Nhưng chắc chắn sẽ chẳng thể nào là niềm vui được.

Chị Lê Thị Hải, Đội phó Đội Nghệ thuật múa rối, người có 27 năm lăn lộn với nghề và là một trong những nhân chứng song hành cùng các giai đoạn thăng trầm của múa rối trên địa bàn tỉnh trải lòng: “Nghệ sĩ, diễn viên múa rối là những người không được công chúng nhớ mặt và cũng chẳng biết tên, bởi chỉ đứng sau tấm mành, bị che mặt để “thổi hồn” vào các con rối. Đây cũng là một sự thiệt thòi đối với những người theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật này. Thêm vào đó, trong  nền kinh tế thị trường, công nghệ thông tin và các loại hình giải trí phát triển thì múa rối ngày càng có nguy cơ mai một. Do vậy, để bám trụ được với nghề thì cần phải yêu nghề sâu sắc...”.

Đội Nghệ thuật múa rối biểu diễn tiết mục  “Những cô gái Tây Nguyên”.
Đội Nghệ thuật múa rối biểu diễn tiết mục “Những cô gái Tây Nguyên”.

Cùng mang nặng nỗi trăn trở, ưu tư, chị Trần Thị Tuyết, Đội trưởng Đội Nghệ thuật múa rối cũng không giấu được những bất an về dự báo “vắng bóng” nghệ thuật múa rối ở “thì tương lai” một khi không giải được trọn vẹn bài toán khó mà Đội đang gặp phải. Khó khăn cần phải kể đến là nhân sự: Hiện nay, số diễn viên được đào tạo chuyên môn trong Đội đều đã lớn tuổi, có nhiệt huyết nhưng thiếu sức khỏe; lớp trẻ không được đào tạo chuyên môn về múa rối nên những kỹ thuật cao không đáp ứng được, còn thụ động trong công việc và đáng lo hơn cả là không có thành viên nào có chuyên môn về đạo diễn, dàn dựng. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động được phân bổ chung trong hệ thống Trung tâm Văn hóa chứ không phân định nên rất hạn hẹp; trang thiết bị có tuổi đời hơn 20 năm không được đầu tư đã trở nên cũ kỹ, hư hỏng nặng. Mặc dù hai năm gần đây đã được quan tâm đầu tư nhưng chỉ nhỏ giọt, bổ sung đôi chút do đó không xây dựng vở lớn được bởi nghệ thuật múa rối phụ thuộc rất nhiều vào đạo cụ, các con rối...

Góp sức nhen lửa nghề

Khó khăn là thế nhưng các thành viên vẫn luôn gắn bó với Đội, hăng say sáng tạo nghệ thuật, nhiệt tình luyện tập, nâng cao chất lượng nghệ thuật để phục vụ công chúng. Để hoàn thiện một tiết mục, từng diễn viên phải mất hơn một tuần tự luyện tập, sau đó mất thêm vài ngày nữa để tập chung các vai với nhau cho nhuần nhuyễn. Những khi thời tiết mát mẻ thì còn dễ chịu, còn khi thời tiết oi nóng phải đeo vào người những chiếc mặt nạ, dụng cụ múa rối để luyện tập, ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi.

Tiết mục múa rối “Ngày mùa” do Đội Nghệ thuật múa rối biểu diễn phục vụ nhân dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc).
Tiết mục múa rối “Ngày mùa” do Đội Nghệ thuật múa rối biểu diễn phục vụ nhân dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc).

Nhọc nhằn hơn cả là khi Đội biểu diễn lưu động tại các xã  vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Mới đây, theo chân Đội Nghệ thuật múa rối lưu diễn miễn phí, phục vụ nhân dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) mới thấy được những vất vả của các thành viên. Buổi biểu diễn bắt đầu vào lúc 19 giờ, nhưng từ 14 giờ cả Đội đã tập trung chuẩn bị những vật dụng cần thiết để lên đường. Đến nơi, không ai bảo ai, mỗi người một việc, cùng hỗ trợ nhau khuân vác con rối, cảnh trí, phông màn cho hoạt cảnh... Khi công tác chuẩn bị đã xong, cả Đội tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống để sẵn sàng biểu diễn. Vì là chương trình phối hợp nên Đội chỉ biểu diễn 4 tiết mục: rối lùn “Chào xuân”, rối tổng hợp “Ngày mùa”, rối ngang “H’Zen lên rẫy”, rối đứng “Những cô gái Tây Nguyên”. Khi một tiết mục hoàn thành tiếng vỗ tay hoan hô vang lên, các diễn viên lại như được tiếp thêm sức lực, xua đi những mệt mỏi của ngày dài. Buổi diễn kết thúc, khán giả dần dần tản hết, ánh đèn sân khấu đã tắt, các thành viên của Đội lại âm thầm thu dọn dụng cụ, đồ đạc trở về trong đêm muộn. Chị Đỗ Thị Châm, thành viên của Đội vui vẻ nói: “Hôm nào biểu diễn kết thúc muộn thì phải gần 12 giờ đêm mới về đến nhà. Tuy vất vả vậy, song  chẳng ai phàn nàn, bởi được phục vụ khán giả, mang tiếng cười đến với mọi người là nhiệm vụ và cũng là niềm vui của các thành viên trong Đội...”.

Với tình yêu nghề cùng những nỗ lực bảo tồn nghệ thuật múa rối, có thể hy vọng một ngày không xa, múa rối sẽ tìm lại được những hào quang một thời trong lòng công chúng. Dĩ nhiên trên chặng đường đó, bên cạnh sự cố gắng của các diễn viên, nghệ sĩ cần có sự hỗ trợ đặc biệt của các ban ngành liên quan để múa rối thực sự tìm được lối đi cho con đường gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật múa rối hiện nay…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.