Multimedia Đọc Báo in

Về thăm xứ dừa Bến Tre

08:55, 26/05/2018

Không đơn thuần là loài cây trái bình thường, dừa từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của tỉnh Bến Tre. Nhắc đến vùng quê miền Tây thanh bình này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những rặng dừa reo trong nắng gió.

Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 km, chạm chân đến Bến Tre ta như lạc vào một vùng đất trù phú, mênh mang bóng dừa. “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/ Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ/ Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió/ Tôi hỏi nội tôi dừa có từ bao giờ?…” – bài thơ “Dừa ơi” của nhà thơ Lê Anh Xuân vốn được cất vào trí nhớ bỗng như theo ta suốt hành trình về Bến Tre với những bóng dừa xanh ngút ngàn.

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nên từ bao đời nay, dừa có mặt mọi nơi. Dừa hiển hiện trong cuộc sống của người con quê hương Đồng khởi. Những hàng dừa chạy dọc mọi nẻo đường quê, soi bóng hai bên kênh rạch; ôm ấp, chở che cho những ngôi nhà và tỏa bóng mát dưới cái nắng oi nồng trưa hè. Trên vùng đất bạt ngàn dừa, người nông dân cần mẫn một nắng hai sương, tựa bóng dừa nghỉ mát sau những giờ làm lụng vất vả; lũ trẻ tụm năm tụm bảy chăn trâu, cắt cỏ, sôi nổi chuyện trò. Gắn bó với người dân, dừa trải dài trong ký ức tuổi thơ của không biết bao thế hệ.

 Rợp bóng xứ dừa.
Rợp bóng xứ dừa.

Thân thiết và gần gũi, cây dừa được người dân Bến Tre sử dụng hoàn toàn, từ rễ, thân, lá, đến quả… trở thành nguồn nguyên liệu quý để làm ra những sản phẩm có giá trị ẩm thực, thẩm mỹ khác nhau. Đơn cử, chỉ riêng quả dừa đã mang lại rất nhiều công dụng: Nước dừa trở thành thức uống bổ mát, dịu ngọt trong những ngày hè chói chang, là nguyên liệu chính để chế biến các loại thạch dừa được ưa chuộng trên thị trường; cơm dừa (cùi dừa) để sản xuất dầu dừa làm đẹp, làm kẹo mứt, kem dừa; gáo dừa được các nghệ nhân chế tác nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làm vật liệu xây dựng cho một số công trình; vỏ quả dừa được sử dụng như một loại chất đốt, hoặc dùng làm dây thừng, làm phân bón cho cây trồng…

Được xem là loại gia vị dân dã, thủ công, nước màu dừa (nước hàng dừa) từ lâu không thể thiếu trong chế biến các món ăn của bà con nơi đây. Sản xuất nước màu dừa đòi hỏi nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất vẫn là lúc nấu. Cứ khoảng 30 lít nước dừa tươi bỏ vào chảo đun lửa liu riu hơn nửa ngày (tầm 12 – 18 tiếng đồng hồ) sẽ dần keo lại được khoảng 1 lít nước hàng dừa, có độ sánh đặc, màu nâu đen, mùi thơm ngọt...

Lá dừa cũng góp mặt ở hầu khắp các sự kiện quan trọng trong gia đình, đặc biệt là ngày cưới hỏi, lễ, Tết. Về xứ dừa vào mùa cưới, nhiều người rất ấn tượng với những rạp cưới, cổng chào đủ các mẫu rồng, phụng, bồ câu, trái tim, hoa, lá… được thắt, tết tỉ mỉ, công phu từ lá dừa. Tương tự, vào dịp lễ, Tết, nhiều gia đình trang trí thêm cho không gian ấm cúng trong nhà bằng các con thú, bó hoa, giỏ đựng… làm từ lá dừa. Mộc mạc, đơn sơ là vậy, nhưng các sản phẩm từ lá dừa cũng hết sức duyên dáng, đáng yêu, thể hiện được sự thân thiện, gần gũi.

Một sản phẩm nổi tiếng từ dừa là kẹo dừa. Dọc các trục đường lớn  hay ở các làng nghề đều có các đại lý bán đặc sản kẹo dừa và các sản vật làm từ dừa. Du khách tới Bến Tre đều không quên thưởng thức và chọn các loại kẹo dừa béo ngọt, thơm dẻo để làm quà tặng.

Song hành cùng các sản vật từ dừa, Bến Tre còn nổi tiếng với nhiều loại cây trái miền nhiệt đới: chôm chôm, bưởi, chuối, sầu riêng, măng cụt, mãng cầu… Về Bến Tre, ngoài thả hồn mình trong khung cảnh thanh bình, tươi xanh, thỏa thích khám phá những điều mới lạ, ta còn được tiếp xúc, chuyện trò với những người dân Nam Bộ chân chất, thân tình. 

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.