Multimedia Đọc Báo in

“Trọng dân” và “thân dân”

07:29, 17/04/2024

Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước, khẳng định là một đảng chân chính, hết lòng phấn đấu vì Nhân dân.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc tạo nên sức mạnh to lớn để Đảng làm tròn sứ mệnh của mình chính là “trọng dân” và “thân dân”. “Trọng dân” là thương dân, phục vụ Nhân dân, biết coi trọng sức mạnh vĩ đại của Nhân dân. “Thân dân” chính là gần gũi với Nhân dân, dựa vào dân, thấu hiểu lòng dân.

Các bậc tiền nhân đã để lại những triết lý, chỉ huấn, khuyên răn quý giá muôn đời về việc đặc biệt coi trọng sức dân. Đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với “khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, coi đó là thượng sách để giữ nước muôn đời”; là tư tưởng của Nguyễn Trãi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”; sử gia Ngô Sĩ Liên thì có luận điểm “có dân ủng hộ thì mọi việc đều thắng lợi, dân không ủng hộ thì mọi việc có thể bị thất bại”…

Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) đã khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Trên nền tảng ấy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, tạo ra mọi của cải, vật chất và những giá trị văn hóa, tinh thần. Nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Lênin từng nhận định: Nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền là sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời quần chúng. Với quan điểm và phương châm lãnh đạo của Đảng ta không có lợi ích nào khác là vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Đảng phải gần dân, trọng dân, tin dân, học dân để lãnh đạo dân.

Bởi theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là Nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của Nhân dân”; “... Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và lãnh đạo huyện Ea H'leo thăm hỏi cuộc sống của người buôn Kri, xã Ea Sol. Ảnh: Lê Thành

Xuất phát và nhất quán tư tưởng “trọng dân”, “thân dân”, con đường, chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa mà chúng ta kiên định, mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

Đối với Đảng, trong quá trình lãnh đạo, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo, Đảng luôn quan tâm phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân. Trong đạo luật cao nhất – Hiến pháp năm 2013, tại Điều 4 đã nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

 

… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có…”.

(Trích trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Đảng liên hệ mật thiết với Nhân dân, bởi vậy, để không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân, Đảng coi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt. Nhân dân được đặt ở trung tâm trong quá trình Nhà nước quản lý và điều hành xã hội.

Cũng trong Hiến pháp năm 2013, tại Điều 2 và Điều 3, quan điểm ấy đã được khẳng định.

Đó là: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Trong tổ chức bộ máy nhà nước, một nguyên tắc quan trọng là nguyên tắc tập trung dân chủ, với đặc điểm cơ bản: Nhân dân là chủ thể tối cao, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.

Nhân dân thiết lập nên nhà nước bằng quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND các cấp. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội; thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức giám sát, kiểm tra. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.