Multimedia Đọc Báo in

Nhìn lại công nghệ 2023: Trí tuệ nhân tạo ngày càng rõ nét

06:29, 31/12/2023

Năm 2023 được dự báo là năm biến chuyển công nghệ với 5 luồng tăng trưởng nổi bật, là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thực tế ảo (metaverse), robot hóa, và máy tính lượng tử. Đến nay, tổng kết 12 tháng đi qua, thế giới công nghệ đã biểu đạt rõ nét luồng phát triển chính là trí tuệ nhân tạo (AI).

Từ tháng 1/2023, các kỹ sư công nghệ đã cảnh báo đa số người dùng Internet và công nghệ số sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ hơn, khi các luồng công nghệ mới được phổ cập bình thường hóa. Những nền tảng công nghệ tích hợp như web3, Internet of Things (kết nối vạn vật) hay cơ chế an ninh mạng dựa trên những luồng công nghệ mới sẽ giúp con người tăng thêm nhiều khả năng ứng dụng số hóa, song cũng làm nảy sinh nhiều mối nguy tiềm ẩn như lừa đảo công nghệ, đánh tráo hình ảnh… Thế giới số vì thế sẽ nhiều hấp dẫn hơn và cũng rình rập nhiều cái bẫy “chết người” hơn.

AI ở mọi nơi

Một thực tế đang được chứng minh là sự hiện diện của AI trong đời sống công nghệ và tiêu dùng ngày càng rõ nét. Với sự xuất hiện những công cụ ứng dụng AI, thông qua máy học (machine learning) trong mọi lĩnh vực đời sống, từ tiếp thị bán hàng cho đến thiết kế mẫu mã, và ngày một thông minh hơn, cuộc sống công nghệ của cộng đồng trở nên thuận tiện hơn. Ngay cả những kỹ sư khó tính nhất trong sản xuất, thiết kế cũng phải chấp nhận việc sử dụng AI để tính toán, trình bày các vấn đề quan trọng. Bước sang năm 2024, thế giới sẽ càng mở rộng cơ hội với AI, trong đó mảng kinh doanh gần như bị AI chiếm lĩnh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thông minh hơn, giúp cải tiến các quy trình sản xuất, cắt giảm nhân lực thừa và tiết kiệm được thời gian triển khai mọi việc.

Điều nguy hiểm của thế giới AI, như nhiều người đã lên tiếng, chính là tốc độ giả lập và sao chép ngày càng hoàn thiện, sẽ khiến nhiều người bị nhầm lẫn cảm xúc, sai lệch tư duy. Một phần không ít lao động đơn giản trong đời sống sẽ bị AI nhanh chóng đào thải. Tất cả sẽ đẩy con người vào lựa chọn phải thông minh và tinh tế hơn, sáng tạo cao hơn, cảm xúc chuẩn xác hơn mới có thể vượt được AI để tiếp tục hoạt động. Trong đó, lĩnh vực sáng tạo văn học, báo chí truyền thông, thiết kế đa phương tiện sẽ là những khu vực xung đột mạnh nhất, bị đào thải và mâu thuẫn nhiều nhất.

Ảnh minh họa

Cảnh báo nhiều mối nguy

Một tiếng chuông cảnh báo quan trọng mà giới công nghệ mới đây đã gióng lên, là AI sẽ nằm trong chuỗi kết hợp các thành tựu công nghệ tiên tiến để… giúp sức cho tội phạm mạng, làm tăng thêm các mối nguy trong đời sống con người.

Điều này vốn được đề cập từ mấy năm trước, khi công nghệ tính toán chuỗi số (blockchain), ứng dụng thực tế ảo (metaverse)… được chú ý. Những công nghệ này dựa trên tốc độ phát triển nhanh chóng của các mạng 5G và khả năng kết nối IoT trên mọi mạng lưới cảm biến, thiết bị và hạ tầng thông minh sẽ rất nhanh lan tỏa vào đời sống, không còn lệ thuộc vào nhà cung cấp nào nữa. Mà đã như vậy, vấn đề quản lý, an ninh mạng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn.

Nguy hiểm này sẽ càng tăng lên, khi trong mỗi ứng dụng đầu cuối công nghệ lại có thêm phần hỗ trợ của AI. Nghĩa là, khi xử lý một vấn đề, các công nghệ số hóa đã rất mạnh, kết nối rất thuận tiện, lại có thêm trí tuệ tích hợp, xử lý mọi dữ liệu có được một cách khôn ngoan hơn, rõ ràng sẽ tạo ra những thành phẩm xuất sắc nhưng cũng đáng ngại hơn.

Thực tế trong vòng một thời gian rất ngắn đã qua, thế giới đã phải ghi nhận một lượng lớn thông tin tội phạm mạng gia tăng, sẵn sàng len lỏi vào mọi lĩnh vực, đánh sập các rào cản và khống chế cả hành vi người dùng. Câu chuyện về những thiết bị do thám, điều khiển máy bay không người lái… trên chiến trường và ở các vụ xung đột đang khiến nhiều người lo sợ. Trên mạng xã hội, người dùng ngày càng đối mặt nhiều nguy cơ hơn, khi hành vi tấn công mạng trở nên dễ dàng với những tội phạm công nghệ. Trong đời sống hằng ngày, con người càng bị áp lực bởi những cú điện thoại quấy rầy, hăm dọa, theo dõi hành vi và ăn cắp thông tin. Bên cạnh những bước tiến số hóa, những nỗ lực của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ để hỗ trợ các hoạt động quản lý xã hội tốt hơn, tổ chức công việc hiệu quả hơn, mỗi cá nhân lại phải đối mặt câu hỏi rình rập: liệu bạn an toàn ở mức độ nào?

Rõ ràng trong hoạt động đời sống hôm nay, công nghệ đã trở thành thành phần không thể thiếu được. Thói quen của nhiều người, nhất là giới trẻ là luôn cầm khư khư trong tay chiếc điện thoại di động, thường xuyên tự đặt mình vào vị trí bị các ứng dụng AI kiểm soát, bởi những trò chơi điện tử thao tác tự động, công cụ bản đồ dò tìm vị trí, những đoạn video ngắn... bắt nhịp đúng nhu cầu. Hệ lụy của những thói quen này là không ít hệ thống mạng an ninh của các tổ chức, tập đoàn liên tục bị đánh sập bởi rò rỉ dữ liệu ra ngoài, bị gián điệp mạng tấn công, và công tác quản lý, điều khiển trật tự xã hội như giao thông, tài chính bị đe dọa. Điều này kéo theo lựa chọn của rất nhiều tổ chức xã hội, là buộc các cá nhân làm việc phải tránh xa điện thoại, cấm cản các môi trường giao tiếp và ứng dụng công nghệ mạng xã hội… Thái độ và cảm xúc của số đông theo đó bị tác động tiêu cực không nhỏ, càng đẩy hành vi con người vào nhiều trạng thái cực đoan và càng khiến vai trò giáo dục bị chao đảo.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc