Multimedia Đọc Báo in

Công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu long đến năm 2020

17:36, 09/11/2012

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkong 2012 diễn ra tại Buôn Ma Thuột vào sáng 9-11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 ba vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, vùng Tây Nguyên được quy hoạch có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; hệ thống giao thông kết nối với Lào, Campuchia, vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Mục tiêu phát triển của vùng Tây Nguyên là: Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế xã hội phù hợp; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt mức trung bình so với cả nước; đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng. Dự kiến đến năm 2020, tăng trưởng GDP toàn vùng đạt 8,7%, thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng/năm, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ 65%; Dân số của vùng 6,4 triệu người, giải quyết việc làm cho 14-15 vạn người/năm, lao động qua đào tạo 50-55%, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,5 – 3,5%; Tăng độ che phủ rừng lên 59%...

Đối với vùng Đông Nam bộ, Quy hoạch xác định vai trò là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và hợp tác quốc tế; là vùng động lực, đi đầu trong Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp quan trọng về GDP, thu ngân sách, xuất khẩu của cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước và khu vực; Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là y tế chuyên sâu, các ngành công nghệ mới. Đến năm 2020, mức tăng trưởng GDP vùng Đông Nam bộ gấp 2,7 lần so với năm 2010, đóng góp ngân sách Nhà nước 50-55%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%; Dân số của vùng 18 triệu người, đô thị hóa đạt 75%, giải quyết việc làm cho 25 vạn lao động…

Quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2020 đạt 8,6%, GDP bình quân đầu người đạt 57,9 triệu đồng/năm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giữ mức xuất khẩu gạo 6-7 triệu tấn/năm. Đến năm 2020, dân số của vùng khoảng 18,8 triệu người, tỷ lệ hộ nghèo của vùng giảm bình quân 2-2,5%/năm; Giải quyết việc làm cho 35-40 vạn người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo 50-55%...

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.