Multimedia Đọc Báo in

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng

16:27, 25/04/2019

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng với chủ rừng và các hộ nhận khoán để mở tài khoản, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua tài khoản ngân hàng thay cho việc chi trả bằng tiền mặt như hiện nay.

Theo đó, phấn đấu trong quý III-2019, tất cả những hộ dân được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh sẽ nhận tiền thông qua tài khoản ngân hàng.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt cho người dân huyện Krông Bông
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt cho người dân huyện Krông Bông

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 179 chủ rừng, với 225.863 ha rừng được chi trả tiền DVMTR. Trong đó, có 86 chủ rừng là hộ gia đình và 54 cộng đồng, nhóm hộ (gần 1.000 hộ dân) với diện tích cung ứng DVMTR gần 7.000 ha, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn chi trả tiền DVMTR hằng năm bằng tiền mặt. Đối với các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã được giao quản lý rừng có rừng cung ứng DVMTR đã được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng nhiều năm nay, tuy nhiên những chủ rừng này vẫn đang chi trả cho hộ nhận khoán (4.081 hộ) bằng tiền mặt.

Người dân nhận khoán từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tuần tra cùng lực lượng Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin
Người dân nhận khoán từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tuần tra cùng lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, việc chi trả tiền DVMTR bằng tiền mặt gặp rất nhiều phiền toái và tốn kém. Do đó, khi việc chi trả tiền DVMTR được thực hiện qua tài khoản ngân hàng sẽ khắc phục được nhiều hạn chế, góp phần tiết kiệm thời gian của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, chủ rừng và người dân nhận khoán, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Được biết, trong năm 2019 toàn tỉnh dự kiến chi trả 90,3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.