Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

08:21, 11/09/2018
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về  “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 14-6-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về  “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng”, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng đã được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu lãnh đạo việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng địa phương; nghiên cứu, tổng kết một số vấn đề thuộc lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản hơn 100 đầu sách lịch sử. Ở cấp tỉnh, đã biên soạn, xuất bản 3 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn từ năm 1930 - 2005; xuất bản một số sách chuyên đề như: “Buôn Ma Thuột - trận đánh lịch sử”; “Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột 1930  - 1945”, “Kỷ yếu Hội thảo 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột”, “Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk 100 năm hình thành và phát triển”, “Địa chí Đắk Lắk”, “Đảng bộ tỉnh lãnh đạo đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO 1975 - 2015”, “Kỷ yếu Hội thảo khoa học 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk”... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh đã xuất bản lịch sử truyền thống của ngành.

Ở cấp huyện, có 13/15 huyện, thành phố đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2000, 2005 hoặc 2010, 2015. Ở cấp xã, đã xuất bản 17 công trình lịch sử xã, phường, thị trấn; 16 đơn vị đã biên soạn xong bản thảo và 21 đơn vị đã tiến hành các bước nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại tọa đàm nghiên cứu, biên soạn lịch sử Công an TP. Buôn Ma Thuột
Đại biểu đóng góp ý kiến tại tọa đàm nghiên cứu, biên soạn lịch sử Công an TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được xuất bản bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, khách quan, khoa học, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo trong triển khai thực hiện của từng đơn vị, địa phương. Nhiều công trình đã chú ý tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, góp phần quan trọng giáo dục truyền thống, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đấu tranh bảo vệ quê hương, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng được quan tâm, triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả tích cực như các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của địa phương, đơn vị; các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử; hội thảo và gặp mặt tọa đàm truyền thống; hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, giáo dục truyền thống còn có những hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, chưa thực sự quan tâm đúng mức việc lãnh đạo nghiên cứu, biên soạn, giáo dục truyền thống lịch sử. Chất lượng một số sách lịch sử còn thấp, nặng về miêu tả diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức tính tổng kết thực tiễn. Việc bố trí kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử ở cấp xã còn nhiều khó khăn, hạn chế...

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương, Kế hoạch số 72-KH/TU, ngày 25-7-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” để nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ và toàn xã hội, trước hết là của người đứng đầu về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Các cấp ủy, trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ, thường trực cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ xã, phường, thị trấn ban hành theo Quyết định số 303-QĐ/TU, ngày 27-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cần xây dựng kế hoạch sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu, nhất là tư liệu từ các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ nhằm phục vụ lâu dài công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống. Chú trọng nghiên cứu, biên soạn biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ từ tỉnh đến huyện; từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn kiện Đảng bộ tỉnh để xuất bản thành sách văn kiện.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đẩy mạnh, tiến tới số hóa toàn bộ ấn phẩm và tư liệu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.