Multimedia Đọc Báo in

"Cú hích" thúc đẩy thương mại giữa tỉnh Đắk Lắk và Vĩnh Long

08:30, 26/09/2018

Mới đây, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng tiêu dùng tỉnh Vĩnh Long với các DN, nhà phân phối, chợ đầu mối tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, bước đầu đặt nền móng để thúc đẩy hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa giữa hai tỉnh.

Tham dự hội nghị trên có 30 DN, HTX của hai địa phương đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu về sản phẩm chủ lực của nhau để có định hướng quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường phân phối của mình. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk nhận định, hai địa phương có những lợi thế về sản phẩm chủ lực khác nhau để phát triển kinh tế. Vấn đề đáng bàn là cần thúc đẩy liên kết để mang những sản phẩm chất lượng mà mỗi bên đang thiếu nhằm phục vụ người tiêu dùng. Trên thực tế, Vĩnh Long là một trong những tỉnh có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm như cà phê, ca cao, mắc ca rất lớn… Nếu nông sản của Đắk Lắk tiêu thụ tốt ở đây thì cũng sẽ có cơ hội tiếp cận sâu, mở rộng mạng lưới bao phủ vào các thị trường khác ở các tỉnh phía Nam. Qua đó, giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững và nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Đánh giá về cơ hội thương mại đối với các sản phẩm của Đắk Lắk, ông Hồ Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Vĩnh Long cũng cho hay, DN Đắk Lắk có nhiều lợi thế để đẩy mạnh thương mại vào thị trường Vĩnh Long, đặc biệt là mặt hàng cà phê và ca cao. Bởi hai sản phẩm này của Đắk Lắk đã khẳng định được giá trị và chất lượng, có thương hiệu trên thị trường.

Doanh nghiệp Đắk Lắk tìm hiểu về các sản phẩm thực phẩm chế biến của tỉnh Vĩnh Long.
Doanh nghiệp Đắk Lắk tìm hiểu về các sản phẩm thực phẩm chế biến của tỉnh Vĩnh Long.

 Có cơ hội trực tiếp gặp gỡ tại hội nghị, các DN, HTX, nhà phân phối đã cùng giới thiệu, cung cấp những sản phẩm thế mạnh có chất lượng với mức giá cạnh tranh và bàn phương cách để sản phẩm có mặt tiêu thụ rộng rãi ở mỗi tỉnh. Về phía Vĩnh Long, sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh này là: thanh long ruột đỏ, cam sành, hạt ca cao tươi, khô cá lóc, hủ tiếu tươi, kẹo đậu phộng, nước mắm, đồ chơi bằng gỗ thông… của các DN, HTX như: HTX Sản xuất, chế biến thủy sản Phú Thành, DN Tư nhân chế biến thực phẩm và thương mại Hồng Hương, Công ty TNHH MTV Mỹ thuật Tây Long, Công ty TNHH Sơn Hải Vĩnh Long…

Tại hội nghị giao thương lần này đã có 14 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các DN, HTX của hai tỉnh. Đây là bước đầu đặt nền móng cho các hoạt động giao thương giữa Đắk Lắk và Vĩnh Long trong tương lai.

Theo các DN của tỉnh này, Đắk Lắk là thị trường có sức mua mạnh, lượng tiêu thụ hàng hóa của Vĩnh Long nếu xúc tiến được sẽ rất khả quan. Thời gian qua, sản phẩm của một số DN Vĩnh Long đã có mặt ở Đắk Lắk và được người tiêu dùng đón nhận, nhưng chưa nhiều. Bà Lê Thị Ngọc Tuyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải Vĩnh Long cho biết, các loại sản phẩm như kẹo đậu phộng, kẹo hạt điều của Công ty đã có mặt ở Đắk Lắk và nhận được tín hiệu thị trường tích cực. Tại cuộc gặp gỡ này, bà sẽ kết nối với một số chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn tỉnh để mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm. Không dừng lại ở đó, DN này cũng đã hướng đến việc nhập nguồn nguyên liệu hạt điều từ Đắk Lắk để phục vụ hoạt động chế biến, kinh doanh của mình. Ông Nguyễn Văn Suốt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ thuật Tây Long cũng tin tưởng, các sản phẩm đồ chơi, quà lưu niệm bằng gỗ thông do DN sản xuất sẽ có tiềm năng cung ứng bền vững tại Đắk Lắk, bởi trên thị trường này hiện đang rất thiếu các sản phẩm quà lưu niệm, đồ chơi trẻ em là hàng Việt, an toàn cho sức khỏe. Nếu xúc tiến thành công với các DN Đắk Lắk sẽ làm đa dạng thị trường ở mảng này với mức giá thành hợp lý, không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào.

Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long tìm hiểu về sản phẩm trà thảo dược của tỉnh Đắk Lắk.
Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long tìm hiểu về sản phẩm trà thảo dược của tỉnh Đắk Lắk.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, DN, HTX ở các ngành cà phê, ca cao, mắc ca, trà thảo dược như: Công ty TNHH MTV Anh Coffee, Cà phê Phượng, Công ty TNHH Macca Đắk Lắk, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Hợp Nhất… cũng đã chủ động bắt tay với các DN phía Vĩnh Long để kết nối tiêu thụ, tìm kiếm nhà phân phối, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm với mức giá cạnh tranh. Đại diện DN, HTX hai bên cũng đã chia sẻ các thông tin cụ thể về sản phẩm cũng như bàn kế hoạch liên kết trao đổi, tiêu thụ hàng hóa, mở ra cơ hội hợp tác cùng nhau. Ngoài việc sẽ mở rộng thị trường tại tỉnh Vĩnh Long, ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cũng cho hay, DN sẽ kết nối với HTX Nông nghiệp Tích Khánh (chuyên trồng ca cao) của tỉnh Vĩnh Long để chuyển giao công nghệ, hợp tác trong chế biến, lên men nhằm làm phong phú thêm cho các sản phẩm về ca cao. Tương tự, bà Nguyễn Thị Phượng, chủ Cửa hàng shop đặc sản, quà lưu niệm Phượng cho biết, tại cuộc gặp gỡ này, bà sẽ bàn chiến lược đưa sản phẩm Cà phê Phượng có mặt sâu hơn nữa tại thị trường Vĩnh Long. Ở chiều ngược lại, bà cũng đang có ý định tìm hiểu và nhập các mặt hàng đồ lưu niệm bằng gỗ thông của DN tỉnh bạn về bày bán, phục vụ người tiêu dùng địa phương và khách du lịch.

Góp phần hỗ trợ các DN, HTX, nhà phân phối của hai tỉnh, ông Hồ Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Vĩnh Long khẳng định, đơn vị sẽ làm “cầu nối” hỗ trợ quảng bá DN của tỉnh Đắk Lắk đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Vĩnh Long. Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm sẽ cung cấp, xác tín thông tin về DN, cũng như chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận nhằm tạo niềm tin giữa các đối tác của hai tỉnh trong mối quan hệ làm ăn an toàn, bền vững.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.