Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật

07:27, 24/09/2018

Trong thời gian qua, với sự đồng hành hỗ trợ thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình, dự án đưa các giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi… của Trạm Khuyến nông TX.Buôn Hồ, nhiều hộ nông dân thay đổi tư duy phát triển kinh tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, vươn lên vượt khó, làm giàu.

Gia đình anh Y Jol Niê (buôn Klat B, xã Ea Đrông) trước đây dù bỏ nhiều công chăm sóc, đầu tư phân bón, tưới nước đầy đủ nhưng nguồn thu từ 5 sào cà phê không đáng kể do cây trồng đã già cỗi. Cuối năm 2016, gia đình anh được Trạm Khuyến nông địa phương chọn làm mô hình điểm để thực hiện phương pháp ghép chồi cà phê, với phương thức hỗ trợ 100% công ghép, cây giống và 50% kinh phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi cưa gốc, ghép chồi thành công, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông thị xã thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn gia đình anh Y Jol về kỹ thuật chăm sóc, bón phân đúng liều lượng. Nhờ vậy đến nay vườn cà phê của gia đình anh phát triển xanh tốt, cây cho sai quả. Anh Y Jol phấn khởi bày tỏ: “Nếu như trồng mới, gia đình tôi phải mất hơn 3 năm phá bỏ vườn cây, cải tạo lại đất, vốn đầu tư lớn. Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp ghép chồi mà gia đình tôi có nguồn thu ổn định, dự kiến năm nay từ 5 sào cà phê gia đình tôi thu hoạch được gần 1,5 tấn”.

Mô hình ủ phân  vi sinh bằng vỏ cà phê do Trạm Khuyến nông TX. Buôn Hồ triển khai ở xã Ea Blang.
Mô hình ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê do Trạm Khuyến nông TX. Buôn Hồ triển khai ở xã Ea Blang.
 
 “Đến nay 100% mô hình kinh tế do trạm triển khai đều đạt hiệu quả, có tính ứng dụng cao vào thực tế. Các mô hình phù hợp với đặc điểm, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, có sự liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn, người dân có thể dễ dàng áp dụng, bảo đảm tính hiệu quả về kinh tế. Đa số các hộ nông dân trên địa bàn đều được tập huấn về khoa học kỹ thuật, biết lựa chọn cây con giống, thiết bị nông nghiệp công nghệ cao có chất lượng vào sản xuất nông nghiệp”. 
 
Ông Y Tân Niê, Trạm phó Trạm Khuyến nông TX. Buôn Hồ

Còn gia đình ông Chu Văn Hải (tổ dân phố 5, phường An Lạc) từng phải sử dụng đến hai cuộn ống, bố trí hai nhân công để tưới và bón phân cho 5 sào tiêu. Đầu năm 2018, được Trạm Khuyến nông TX. Buôn Hồ chọn tham gia dự án “Mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu”, sau thời gian triển khai mô hình tại vườn cây, ông Hải nhận thấy hệ thống không những dễ vận hành mà có thể kết hợp tưới nước và bón phân, vừa tiết kiệm đáng kể ngày công lao động vừa bảo đảm sức khỏe. Thời gian tới, ông Hải dự định sẽ đầu tư mua ống, áp dụng cách tưới và bón phân này cho 5 sào tiêu còn lại.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu (tổ dân phố 2, phường Đạt Hiếu) dù có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nhưng vẫn không biết cách phòng bệnh cho gà hiệu quả, cũng không biết cách khắc phục mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình cũng như hàng xóm. Là một trong 5 hộ dân của phường Đạt Hiếu tham gia mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, được sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, đến nay chị đã vận dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật này vào chăn nuôi tại gia đình. Theo chị Hiếu, ưu điểm của phương pháp trên ngoài việc tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, thân cây ngô không những giá thành thấp mà còn khử được mùi hôi thối tạo môi trường trong lành, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, giảm thời gian chăn nuôi. Gà thường xuyên được nuôi thả nên thịt săn chắc, được nhiều thương lái ưa chuộng, tăng hiệu quả kinh tế so với cách nuôi truyền thống.

Ninh Trang

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.