Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo nông thôn mới ở Bình Thuận

10:02, 23/08/2019

Quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) đã đạt được những kết quả quan trọng, hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Bình Thuận là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây cà phê, tiêu. Ông Hồ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2010, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Xuất phát điểm thấp, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, đến năm 2018, Bình Thuận đã về đích, được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được thành quả này, xã đã tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần người dân thực sự là chủ thể thực hiện và là người thụ hưởng, huy động nội lực là chính. Cùng với đó, việc sử dụng nguồn vốn huy động, nguồn nội lực vào các công trình công cộng đều được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có sự giám sát cộng đồng, bảo đảm minh bạch, công khai. Nhờ đó, người dân hiểu, nhận thức đúng và tin tưởng, tích cực hưởng ứng, góp phần giúp Bình Thuận về đích nông thôn mới đúng tiến độ đề ra.

Tuyến đường nội thôn ở Bình Thuận được bê tông hóa rộng thoáng.
Tuyến đường nội thôn ở Bình Thuận được bê tông hóa rộng thoáng.

Được xem là một trong những khâu đột phá, Bình Thuận đã và đang hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Trước đây, tiêu chí này được xem là rất khó thực hiện trên địa bàn bởi thiếu nguồn lực. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua, xã tồn tại tới 3 chợ tạm, lụp xụp, buôn bán manh mún, nhỏ lẻ, không đáp ứng được an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng như an toàn thực phẩm. Từ khi được các cấp quan tâm, kêu gọi nhà đầu tư, Bình Thuận đã có một chợ trung tâm đạt chuẩn nông thôn mới với tổng diện tích sử dụng là 0,4 ha.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khoảng 2 tháng nữa, chợ trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động. Với các hạng mục đầu tư khang trang, hiện đại, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, chợ trung tâm hứa hẹn sẽ là nơi giao thương sầm uất, phát huy hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Một trong những ấn tượng về Bình Thuận có lẽ là tuyến đường trung tâm dài 13,9 km được rải nhựa phẳng phiu, rộng rãi. Trên 24 km (chiếm 71%) đường nội thôn, buôn cũng đã được cứng hóa, sạch đẹp với sắc hoa ven đường rực rỡ.

 
“Thời gian tới, xã Bình Thuận cố gắng phát huy, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
 
Ông Hồ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận

Tại buôn Quắn, trước đây, đường đất vào buôn nhỏ hẹp, lầy lội mùa mưa, bụi tung mù mịt mùa nắng nhiều khi xe công nông cũng không thể vào được khiến nông sản thường xuyên bị ép giá, học sinh đến trường gặp khó khăn… Năm 2017, khi buôn được hỗ trợ 100% xi măng, 145 hộ dân (chủ yếu dân tộc Tày, Nùng) đã tích cực góp tiền, ngày công để đổ bê tông con đường rộng 3 m.

Đặc biệt, từ ngày có chủ trương mở rộng tuyến đường cấp phối, rất nhiều người dân trong buôn đã tự nguyện hiến từ vài chục đến vài trăm, thậm chí vài nghìn mét vuông đất. Đơn cử như gia đình ông Ma Kiên Canh đã tự phá bỏ hơn 300 gốc cà phê đang độ thu hoạch để hiến 2.500 m2 đất. Ông thổ lộ: “Mới đầu cũng tiếc lắm chứ, nhưng càng về sau càng thấy nhiều lợi ích, nhất là khi hiểu được đường mở rộng cho chính mình hưởng lợi. Nhờ có con đường, bà con buôn Quắn thuận lợi hơn trong vận chuyển nông sản, buôn bán, phát triển kinh tế gia đình…".

Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Bình Thuận giữ gìn, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then.
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Bình Thuận giữ gìn, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then.

Khác với 8 năm về trước, quá trình xây dựng nông thôn mới như tiếp thêm luồng sinh khí mới cho Bình Thuận hôm nay. Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 91,78%, xã đã quan tâm, hướng bà con phát triển sản xuất, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như: cà phê, tiêu, lúa nước, cây ăn trái. Cùng với đó, nhân dân đã tập trung vào đầu tư chăn nuôi như phát triển hình thức nuôi bò nhốt chuồng. Biết cách tận dụng nguồn thức ăn rơm rạ ủ theo mô hình khuyến nông, dùng bờ thửa, bờ mương để trồng cỏ, bà con nông dân vừa phát triển chăn nuôi, vừa có thêm thu nhập đáng kể, đồng thời bảo đảm được nguồn phân hữu cơ cho cây trồng.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, hoạt động tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ cũng ngày càng phát triển, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương, mà dần trở thành nguồn thu chính cho hàng trăm hộ trên địa bàn. Bằng chính sách đầu tư, phát triển kinh tế phù hợp, mức sống của người dân Bình Thuận ngày càng được nâng cao. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 25 triệu đồng so với năm 2011; số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,74%, giảm 8,3% so với năm 2011…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.