Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui từ những thương hiệu gạo Đắk Lắk

06:58, 01/01/2020

Phát huy tiềm năng cây lúa nước, nhiều địa phương đã tập trung phát triển gạo thương phẩm theo hướng VietGAP, hữu cơ, đồng thời xây dựng thương hiệu nhằm nâng tầm giá trị hạt gạo thơm ngon trên những cánh đồng trù phú của tỉnh.

Đắk Lắk hiện có khoảng 90.000 ha lúa nước, phân bố trên tất cả 15 đơn vị hành chính trong tỉnh. Trong đó, các huyện như Krông Ana, Lắk, Ea Súp, Ea Kar và Krông Pắc là những địa phương có diện tích canh tác lúa nước lớn và hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Điều đáng chú ý hơn là nhiều địa phương đã bắt đầu thay đổi phương pháp sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo và tăng thu nhập cho người nông dân. Đơn cử như huyện Lắk, hiện trên địa bàn huyện có hai hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này bước đầu đã khẳng định được hiệu quả.

Ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Nhất (xã Buôn Triết) cho biết, nắm bắt được xu thế của người tiêu dùng, từ năm 2010, HTX đã bắt đầu ứng dụng làm thử lúa hữu cơ. Thời gian đầu, lúa cho năng suất kém hơn so với trước đây, chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, nhưng sau 5 năm sản xuất liên tục, năng suất lúa đã đạt ngang với sản xuất theo cách truyền thống (7 - 8 tấn/ha), với chất lượng rất tốt, các chỉ số đều đạt yêu cầu sản phẩm sạch.

Đến tháng 8-2017, HTX đã chính thức cho ra thị trường thương hiệu Gạo sạch VietGAP Đồng Nhất và đã có mặt ở thị trường nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… với giá bán 30.000 đồng/kg. Hiện HTX có khoảng 20 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời tập trung chuyển giao công nghệ cho người nông dân và các thành viên HTX ứng dụng sản xuất nông sản sạch, không ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Nông dân  huyện  Krông Pắc thu hoạch lúa.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch lúa.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lắk, diện tích lúa nước trên địa bàn có khoảng 13.000 ha/năm, với năng suất bình quân 7 tấn/ha. Lúa huyện Lắk đã và đang khẳng định thương hiệu của mình với việc áp dụng mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP và hữu cơ. Đây chính là động lực để người nông dân dần thay đổi phương pháp canh tác theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, hiệu quả. Hiện Phòng NN-PTNT huyện đã đưa sản phẩm gạo của huyện Lắk vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để xây dựng và phát triển thế mạnh của vùng. Từ đó, đưa các thương hiệu gạo của Lắk phát triển nhanh và bền vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Tương tự, sản phẩm lúa gạo ở huyện Ea Kar nổi tiếng nhờ thương hiệu “Gạo 721” của Công ty TNHH MTV Cà phê 721, được ra mắt thị trường từ năm 2015. Đây là đơn vị duy nhất của tỉnh vừa sản xuất vừa chế biến gạo, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 1.200 tấn, với các loại gạo ML-48, RVT, OM 4900.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721 cho biết, sản phẩm “Gạo 721” được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chế biến từ hệ thống máy móc, thiết bị mới, hiện đại, không sử dụng hóa chất bảo quản, không sử dụng hóa chất tạo mùi thơm, không sử dụng hóa chất tẩy trắng, không đấu trộn. Năm 2019, “Gạo 721” được vinh dự là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.

Hiện nhà máy chế biến (với công suất 10.000 tấn/năm) và nhà máy sấy lúa (có công suất 80 tấn/ngày) không chỉ giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu lúa 250 ha/vụ của công ty mà còn góp phần tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong vùng.

Sản phẩm Gạo 721 được trưng bày tại Hội chợ nông nghiệp huyện Ea Kar.
Sản phẩm Gạo 721 được trưng bày tại Hội chợ nông nghiệp huyện Ea Kar.

Và mới đây, một niềm vui đến với người sản xuất lúa ở huyện Krông Ana là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Đây là niềm mong mỏi bấy lâu của người dân nơi đây, bởi một khi sản phẩm gạo Krông Ana có nhãn hiệu đồng nghĩa với việc hạt gạo nơi đây sẽ “danh chính ngôn thuận” có mặt trên các thị trường mà không bị thương lái ép giá hoặc bị mang trên mình một nhãn mác khác, đồng thời giá trị sản phẩm cũng được nâng lên.

Huyện Krông Ana được biết đến là vựa lúa của tỉnh, với diện tích lúa nước gieo trồng mỗi vụ khoảng 6.000 ha, năng suất bình quân đạt hơn 7 tấn/ha. Việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” sẽ gắn với sản phẩm gạo sản xuất theo quy trình an toàn, có chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao, góp phần đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người trồng lúa tại địa phương.

Hiện nay, nhiều đơn vị HTX sản xuất lúa nước tại địa phương đã đăng ký để được cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng các mô hình VietGAP, đầu tư nhà máy xay xát lúa và sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” trên bao bì. Điều này đã tạo được động lực, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất bền vững hơn, góp phần xây dựng những thương hiệu gạo đặc sản có xuất xứ từ vựa lúa Krông Ana.

Năm 2019, tổng sản lượng lương thực có hạt của Đắk Lắk đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 2.623 tấn so với năm 2018. Đặc biệt, sản xuất vụ đông xuân 2018-2019 vượt kế hoạch đề ra, với tổng sản lượng lương thực đạt trên 332.770 tấn, tăng 95.774 tấn so với kế hoạch; năng suất lúa nước đạt gần 7,5 tấn/ha.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.