Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Nâng cao vị thế cây ăn quả trong nông nghiệp

08:57, 08/02/2021

Tập trung phát triển cây ăn quả, chuyển từ trồng, bán thô sang bảo quản, chế biến sâu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao vị thế và giá trị của cây ăn quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang được huyện Ea Kar quan tâm đẩy mạnh.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp

Chủ động ứng phó với vấn đề thiếu nước tưới phục vụ sản xuất, những năm qua, UBND xã Ea Sar đã tạo mọi điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, xã đã đầu tư kinh phí, hỗ trợ xây dựng 12 mô hình trồng vải; vận động bà con chuyển đổi số diện tích điều, cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ; khuyến khích nông hộ liên kết hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương... Nhờ đó, đến nay xã Ea Sar đã có trên 550 ha cây ăn quả các loại. Nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà (bìa phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm cây ăn quả tại Hội thảo phát triển cây ăn quả huyện Ea Kar
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà (bìa phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm cây ăn quả tại Hội thảo phát triển cây ăn quả huyện Ea Kar.
"Để tiếp tục phát triển cây ăn quả một cách bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Ea Kar tập trung chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi đầu tư xây dựng vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao”. 
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà

Xã Ea Tih cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai chủ trương chuyển đổi cây trồng. Nhiều hộ đã phá bỏ diện tích cây điều kém hiệu quả chuyển sang trồng vải, nhãn, mỗi ha cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Văn, từ năm 2010 đến nay, các hộ dân đã tập trung phát triển cây ăn quả với tổng diện tích trên 540 ha, chủ yếu là vải, nhãn, khoảng 60% diện tích đã cho thu hoạch.

Nâng cao giá trị cây ăn quả

Ea Kar có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhưng 70% là đất xám pha cát nên không thích hợp để phát triển đại trà các loại cây công nghiệp dài ngày. Vì vậy, huyện đã tập trung khuyến khích nông dân phát triển các loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai trên địa bàn gồm: cam, quýt, bưởi, vải, nhãn, mãng cầu… Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: cây có múi ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih; các xã còn lại chủ yếu trồng cây mãng cầu. Đến cuối năm 2020, toàn huyện Ea Kar có 3.247 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các xã: Cư Elang, Ea Sô, Ea Sar, Ea Tih, Ea Ô.

Cùng với việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, huyện Ea Kar chú trọng thành lập các hợp tác xã nhằm tạo sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho cây ăn quả. Nhiều hợp tác xã đã phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần định hình thương hiệu “Cây ăn quả Ea Kar” như: Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút), Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tih), HTX Sản xuất và chế biến ca cao Ea Kar, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô)...     

Bí thư Huyện ủy Ea Kar Y Nhuân Byă (bìa phải) thăm mô hình trồng nhãn hương chi của nông dân xã Ea Tih.
Bí thư Huyện ủy Ea Kar Y Nhuân Byă (bên phải) thăm mô hình trồng nhãn hương chi của nông dân xã Ea Tih.

Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện đạt 10,5%, nằm trong tốp các huyện có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao nhất tỉnh, trong đó có sự đóng góp đáng kể của sản phẩm cây ăn quả.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.