Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức bảo đảm an toàn lao động

09:24, 24/05/2018

Chủ quan, lơ là hoặc chưa nhận thức, thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn chủ sử dụng lao động và người lao động đều chưa “mặn mà”, thậm chí có nơi chỉ đối phó trong công tác này nên việc xảy ra tai nạn lao động là điều khó tránh khỏi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2011 đến cuối 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 104 vụ tai nạn lao động làm 45 người chết (một số trường hợp chết do tai nạn giao thông được xem là tai nạn lao động), 29 người bị thương nặng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2018 xảy ra 1 vụ tai nạn lao động làm 1 người chết.

Trên đây chỉ là phần nổi, bởi theo bà Vũ Thị Mỹ Phượng, Phó Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH, con số thực về các vụ tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn gây ra chấn thương, làm mất một phần cơ thể trên thực tế chênh lệch lớn so với thống kê, bởi chỉ có khoảng 2-3% doanh nghiệp chấp hành việc gửi báo cáo tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ cho ngành chức năng.

Nhiều  doanh nghiệp sản xuất,  chế biến gỗ chưa quan tâm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ  cho người  lao động.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ chưa quan tâm trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động.

Sở dĩ trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động là do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không có phương án phòng chống cháy nổ, không bảo đảm điều kiện, môi trường làm việc an toàn, không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ và đúng chủng loại… Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa nhận thức đầy đủ về ATVSLĐ nên còn chủ quan, lơ là hoặc chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn, vi phạm các quy trình, biện pháp an toàn lao động… 

Hằng năm, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra khoảng 20-40 doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ; các ngành, địa phương cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng thường xuyên tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật, ATVSLĐ tại trên 100 đơn vị, doanh nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng nên việc kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức phúc tra lại kết quả thực hiện các kiến nghị của Đoàn thanh tra, kiểm tra vẫn chưa triển khai được do khó khăn về vấn đề kinh phí nên chỉ có thể trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp và người lao động.   

Người lao động làm việc trong các nhà máy chế biến tinh bột sắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ.
Người lao động làm việc trong các nhà máy chế biến tinh bột sắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ.

Theo ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, để lấp đầy những “lỗ hổng” trong công tác ATVSLĐ và xây dựng văn hóa an toàn trong lao động sản xuất đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, người sử dụng lao động và người lao động cần tiến hành công tác này thường xuyên, liên tục, có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhất là ý thức tự phòng tránh của những người trong cuộc. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, mỗi doanh nghiệp cần tự giác xây dựng chiến lược lâu dài trong thực hiện công tác ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ, tổ chức huấn luyện, cấp chứng chỉ an toàn cho người lao động, thực hiện kiểm định máy móc, thiết bị, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân… Người lao động cũng cần tự học hỏi nâng cao nhận thức về quyền của mình trong an toàn lao động, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc an toàn, có ý thức tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động để tự bảo vệ mình.

Với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018, các cấp, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền Luật An toàn vệ sinh lao động; Đoàn thanh tra của tỉnh tiến hành kiểm tra 33 đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.