Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn nghề chạy xe ôm công nghệ

07:46, 28/07/2018

Vài năm gần đây, dịch vụ xe ôm công nghệ grab bike (gọi xe thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh) phát triển mạnh bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ. Từ đó, tài xế grab trở thành nghề bán thời gian của nhiều người, nhất là sinh viên, lao động tự do...

Dịch vụ grab bike xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014 và chính thức hoạt động tại TP. Buôn Ma Thuột từ đầu năm nay. Muốn hành nghề xe ôm công nghệ thì thủ tục và điều kiện khá đơn giản, chỉ cần có Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng lái xe, đăng ký và bảo hiểm xe máy. Sau khi đăng ký, tài xế sẽ được đào tạo cơ bản về quy định của công ty, hướng dẫn thao tác sử dụng điện thoại để nhận các thông tin dịch vụ và khách hàng, thanh toán cước phí và kích hoạt tài khoản cá nhân.

Một tài xế xe grab bike đang chở khách.
Một tài xế xe grab bike đang chở khách.

Trong lúc chưa có việc làm, 2 tháng trước, anh N.Đ.N đăng ký chạy xe ôm grab bike để kiếm thêm thu nhập. Anh chia sẻ, vào nghề thì dễ, nhưng để kiếm sống từ nghề chạy xe ôm công nghệ thì đầy vất vả, gian truân. Điều hiển nhiên là các tài xế grab phải thường xuyên “phơi mặt” ngoài đường, trời nắng thì hơi nóng, bụi đường phả vào người, trời mưa thì người ướt sũng, gió thốc quần quật. Thế nhưng, số lượng tài xế grab ngày càng nhiều, có khi ngồi chờ cả buổi mà không có khách, ngày trời mưa thì lượng khách càng ít hơn. Ngoài ra, một thông báo có khách hàng của công ty, người lái xe ôm grab phải xác nhận trong vòng 45 giây, nếu không sẽ bị “trôi cuốc”. Công ty yêu cầu tài xế phải nhận khách bất kể xa, gần, thời tiết như thế nào, do đó, nếu tài xế không để ý điện thoại hoặc để chế độ im lặng thì dễ bị mất khách. Chưa kể, có trường hợp khách hàng đặt xe trên hệ thống, tài xế đã nhận khách, nhưng đến nơi lại không liên lạc được với khách hàng nên phải chấp nhận bỏ khách, mất không tiền xăng.

Còn đối với H.Đ.D, sinh viên Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột thì tranh thủ thời gian nghỉ hè để chạy xe ôm grab kiếm tiền đóng học phí cho năm học mới. D cho biết, nếu chịu khó và có khách đều thì mỗi ngày kiếm được khoảng 100–150 nghìn đồng. Thế nhưng kiếm tiền từ nghề chạy xe ôm rất vất vả, rủi ro, sự cố là chuyện xảy ra thường xuyên như lạc đường, hư xe, tai nạn… Có một số khách hàng vui tính, tốt bụng thì tài xế chạy với tâm lý thoải mái và được khách trả  thêm tiền. Tuy nhiên, cũng một số lượt chạy bị lỗ do quãng đường từ vị trí chờ đến điểm đón khách xa hơn quãng đường khách muốn đi. Bên cạnh đó, khách đi xe ôm cũng có nhiều người khó tính, tài xế phải cố gắng khôn khéo chiều khách. Nhiều khi, nơi khách hàng cần đến không có địa chỉ cụ thể, khi đó khách hàng dù đã được chở đến địa điểm với chi phí đã được xác nhận trên hệ thống, nhưng thực tế vẫn còn một quãng đường dài hoặc phải vào ngõ, hẻm, đường khó đi... nhưng nhiều khách không chấp nhận trả khoản chi phí phát sinh cho đoạn đường này. Tuy nhiên, tài xế vẫn phải chở khách đến nơi nếu không muốn bị khách hàng phản hồi, đánh giá thấp chất lượng phục vụ, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Cụ thể, nếu khách hàng chấm ít sao (mức đánh giá từ 1–5 sao) thì tài xế có thể sẽ bị hệ thống khóa tài khoản, hoặc không được ưu tiên nhận khách. Chưa kể, những tài xế grab thường đón khách ở các bến xe, bệnh viện còn bị tài xế xe ôm truyền thống hăm dọa, cản trở không cho chở khách. Khi gặp phải tình huống này, một số tài xế có kinh nghiệm có thể giải quyết tình huống để chở khách, còn lại phải chấp nhận bỏ chuyến.

Một nhóm tài xế grab bike  đang chờ khách.
Một nhóm tài xế grab bike đang chờ khách.

Vất vả là thế nhưng thu nhập từ nghề chạy xe ôm công nghệ cũng khá bạc bẽo. Cụ thể, tài xế phải nộp mức phí 20% giá trị mỗi lượt chạy cho phía cung cấp dịch vụ grab theo hình thức tự động trừ dần vào tiền đặt cọc ban đầu. Với mức phí này, nếu trừ hết các chi phí như sửa xe, thay nhớt, hao mòn xe, tiền xăng, cước sử dụng 3G... thì thu nhập của lái xe chẳng đáng là bao. Theo tính toán của những người chạy xe ôm grab, muốn kiếm được 200 nghìn đồng/ngày, tài xế phải chạy chở khách với quãng đường khoảng 100 km, không kể quãng đường đến điểm đón khách.

Công việc vất vả, thu nhập thấp, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục theo nghề chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập trong khi chưa tìm được việc làm. Bên cạnh đó, với sinh viên, lao động tự do thì đây là nghề bán thời gian phù hợp, giúp họ có tiền trang trải cuộc sống.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.